A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn người lao động, vì sao?

13:44 | 05/12/2016

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi già. Nhưng trên thực tế, loại hình bảo hiểm này chưa hấp dẫn người lao động.

Xa lạ với BHXH tự nguyện

Tham gia BHXH tự nguyện giúp người lao động tự do được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già. Đây là một chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người dân chưa biết đến loại hình bảo hiểm này.

Khi được hỏi về chính sách BHXH tự nguyện, chị H’Phi Ênuôl, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) tỏ ra khá bất ngờ. Mặc dù chị thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền của Hội nhưng chưa nghe nói về BHXH tự nguyện. Chỉ đến khi BHXH tỉnh phối hợp với BHXH huyện và Hội LHPN nữ tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT thì chị mới vỡ lẽ ra rằng người lao động tự do cũng có quyền tham gia BHXH để sau này được hưởng lương hưu.

Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn, giải quyết chế độ bảo hiểm cho người dân.

Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn, giải quyết chế độ bảo hiểm cho người dân.

Còn chị Nguyễn Thị Lan (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cho hay, gia đình chị đã mua BHYT hộ gia đình nhiều năm nay nhưng cũng chưa nghe về loại hình bảo hiểm được hưởng chế độ hưu. Do không nắm bắt được thông tin về phương thức tham gia, mức đóng, chế độ hưởng nên vợ chồng chị chọn phương án gửi tiết kiệm tại ngân hàng để sau này lo cho tuổi già.

Đối với những người đã biết đến BHXH tự nguyện thì lại phân vân về các chế độ hưởng và mức đóng. Anh Nguyễn Văn Mạnh (thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kar) trồng 7 sào rau các loại, mỗi năm trừ chi phí cũng thu được hơn 100 triệu đồng, đủ sức để tham gia BHXH tự nguyện nhưng vẫn hờ hững với chính sách này. Theo anh Mạnh, nguyên nhân là do khi tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác rất cần thiết với người lao động như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động thì không được hưởng.

Cán bộ BHXH huyện Lắk tư vấn chính sách BHXH, BHYT cho người dân.

Cán bộ BHXH huyện Lắk tư vấn chính sách BHXH, BHYT cho người dân.

Ngoài những lý do trên thì có một thực tế là hầu hết người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Anh Nguyễn Văn Thoại (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, thu nhập từ nghề phụ hồ chắt chiu lắm cũng chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt hằng ngày, trong khi đó phải đóng đủ 20 năm và đủ số tuổi theo quy định mới được hưởng hưu.

Để BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống

BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008 nhưng đến ngày 20-11-2016, toàn tỉnh mới chỉ có 1.575 người tham gia với tổng số thu lũy kế  hơn 8,8 tỷ đồng. Trong số này phần lớn là những lao động đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện thụ hưởng chế độ hưu trí.

 

Để đạt mục tiêu tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH nhằm đảm bảo sử dụng an toàn và cân đối quỹ BHXH thì cần xác định việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện là nhiệm vụ chính trị chung. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.

 

 
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân

Huyện Lắk là một trong những địa phương có số người tham gia BHXH tự nguyện thấp nhất trong toàn tỉnh (chỉ có 61 người). Giám đốc BHXH huyện Vũ Văn Hải cho biết, sở dĩ kết quả triển khai BHXH tự nguyện thấp là do người dân chưa hiểu lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Hơn nữa, đời sống của phần lớn người lao động còn nhiều khó khăn, trong khi đó để tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập hằng tháng (mức thu nhập này do người lao động lựa chọn), cao hơn 14% so với người tham gia BHXH bắt buộc. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân, còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân, để chính sách BHXH tự nguyện thật sự đi vào cuộc sống, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định về đóng, hưởng và hỗ trợ phù hợp để người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng các quyền lợi như BHXH bắt buộc. Thời gian tới, BHXH tỉnh tăng cường phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thông qua nhiều hình thức như: phương tiện thông tin đại chúng, in tờ rơi, áp phích, nói chuyện chuyên đề… Đồng thời, tham mưu HĐND, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh cũng tập trung củng cố, mở rộng các đại lý thu, đào tạo đội ngũ đại lý có kỹ năng, nắm vững về chế độ, chính sách bảo hiểm để tuyên truyền, tư vấn cho người dân.

Nguyễn Xuân

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ