A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dân khốn khổ vì trang trại nuôi heo gây ô nhiễm

07:58 | 13/12/2016

Các trang trại nuôi heo với quy mô lớn từ vài trăm con đến hàng nghìn con nhưng lại không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải mà xả trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân xung quanh.

Các trang trại nuôi heo xả thải xuống con suối giáp ranh xã Ea Tiêu và xã Hòa Thắng.
 
Theo phản ánh của người dân thôn 6 và thôn 7 xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, từ năm 2010 đến nay các trang trại nuôi heo thuộc thôn 5 xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột thường xuyên xả chất thải và nước thải chưa qua xử lý xuống khu vực suối nằm giáp ranh giữa 2 xã. Người dân 2 thôn đã nhiều lần góp ý với các hộ chăn nuôi nhưng họ không khắc phục. Người dân cho biết, chất thải rắn và nước thải chăn nuôi được chủ các trang trại gom vào đường ống nhựa rồi lén xả ra suối vào lúc chiều tối và sáng sớm hoặc lợi dụng những lúc trời mưa lớn. Mỗi lần như vậy, mặt nước đặc phân heo, đen sì, sủi bọt không ai dám lội. Bất kể là mùa mưa hay mùa khô, cứ mỗi lần các trại heo xả thải là lại bốc mùi hôi thối nồng nặc. Được biết, hiện có 3 trang trại nuôi heo nằm gần khu vực suối.
 

Anh Lâm ngăn không cho nước suối vào ao.

Anh Lâm ngăn không cho nước suối vào ao.

Đã hơn 6 năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (thôn 6) có nhà nằm sát suối, gần với các trại nuôi heo phải sống chung với mùi hôi bốc lên từ đây. Nhà chị phải đóng kín cửa cả ngày để ngăn mùi hôi mà vẫn bị ruồi nhặng bâu đầy. Việc xả thải này không chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần suối mà cả một vùng dân cư. Ông Vũ Duy Tấn (thôn 7) cho biết: “Nhiều nhà nằm cách trại heo gần 500 m nhưng cũng phải ngửi mùi hôi thối, nhất là mỗi lần gió quẩn. Chưa khi nào tôi thấy ruồi lại nhiều như bây giờ, vào những tháng cao điểm mỗi ngày dùng 5-6 vỉ dính ruồi vẫn không hết. Chúng tôi ai nấy đều mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này, trả lại môi trường trong lành cho bà con”.

Mới đây nhất, đầu tháng 9-2016, 4 tạ cá trắm nuôi trong ao của gia đình anh Nguyễn Đình Lâm (thôn 6) dự định cung cấp cho dịp Tết Nguyên đán bỗng nhiên chết trắng mặt ao, khiến gia đình anh thiệt hại hơn 20 triệu đồng chưa kể tiền giống, tiền công. Vừa qua, anh Lâm mới xuống hơn 2 triệu tiền cá giống chỉ dám thả các loại cá rô, mè, trôi chứ không dám thả cá trắm nữa vì giống cá này đòi hỏi môi trường nước phải sạch. Từ khi nguồn nước bị ô nhiễm, người nuôi cá phải bịt kín đầu ống dẫn nước, chủ động căn giờ những lúc nước không bị ảnh hưởng bởi xả thải mới dám bơm vào.

 

Biết là ai cũng lo sinh kế nhưng đã chăn nuôi quy mô lớn lại ở gần khu dân cư thì phải quan tâm đến việc vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân 

 
 
Ông Vũ Duy Tấn (thôn 7)

 

Ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu cho biết: Năm 2012 sau khi nhận được kiến nghị của nhân dân thôn 6 và thôn 7 về việc các hộ chăn nuôi heo thuộc xã Hòa Thắng xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, UBND xã  Ea Tiêu đã cử cán bộ xuống kiểm tra, xác minh. Tháng 11-2012, xã Ea Tiêu có công văn gửi UBND xã Hòa Thắng đề nghị tiến hành kiểm tra và xử lý dứt điểm các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn nhưng không nhận được phản hồi. Tháng 8-2014, UBND xã Ea Tiêu gửi công văn đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Phòng Cảnh sát môi trường TP. Buôn Ma Thuột và UBND xã Hòa Thắng xem xét xử lý sự việc nêu trên. Tháng 9-2014, đoàn kiểm tra xuống làm việc và phạt hành chính 4.250.000 đồng đối với hộ chăn nuôi ông Trần Văn Tuấn (thôn 5, xã Hòa Thắng) về 2 lỗi: không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn kỹ thuật về môi trường và không có bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Đồng thời, đề nghị ông Tuấn phải có biện pháp quản lý chất rắn, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Tuy nhiên việc xử lý này xem ra vẫn chưa đủ sức răn đe, vì từ đó đến nay, ông Tuấn và các hộ chăn nuôi khác vẫn tiếp tục xả chất thải ra suối.

Trao đổi về vấn đề này, ông Quang Văn Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: “Hiện xã Hòa Thắng có 21 trang trại chăn nuôi heo, gà với quy mô lớn từ 500-2.000 con. Chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm quy hoạch vùng chăn nuôi còn việc các trang trại chăn nuôi có xả thải gây ô nhiễm môi trường, có sai quy trình hay không là thuộc quyền quản lý của Phòng TN&MT và Cảnh sát môi trường TP. Buôn Ma Thuột”. 

Tuyết Mai

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ