A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đấu thầu tập trung giúp giá thuốc giảm khá

13:25 | 06/06/2018

Việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia đã góp phần làm giảm giá thành của thuốc, giảm chi từ tiền túi người bệnh cũng như chi từ quỹ BHYT

Bộ Y tế vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của BHXH về mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018.

Thêm nhiều loại thuốc được đấu thầu tập trung

Theo đó, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu gồm 20 hoạt chất: Ciprofloxacin (200 mg/100 ml và 400 mg/200 ml); Cefoxitin (1 g và 2 g); Cefuroxime (750 mg, 1,5 g, 250 mg, 500 mg); Amoxicilin + Acid Clavulanic (875 mg + 125 mg và 250 mg + 31,25 mg); Ceftazidim (1 g, 2 g, 0,5 g); Cefotaxim (2 g); Gliclazid (30 mg và 60 mg); Rabeprazol 20 mg (đường tiêm truyền và đường uống) và Imipenem + Cilastatin (0,5 g + 0,5 g). Đây chủ yếu là các thuốc điều trị bệnh thuộc nhóm kháng sinh, nhóm thuốc tiêu hóa, nhóm thuốc hạ đường huyết.

Trước đó, Bộ Y tế cũng công bố danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) thực hiện. Danh mục này có tất cả 25 loại thuốc. Trong đó, 19 loại thuốc/hoạt chất phục vụ điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch như Bevacizumad, Bortezomib, Imatinib... và 6 loại thuốc phục vụ trong điều trị tim mạch như: Clopidogrel, Ivabradin, Metoprolol, Nebivolol, Rosuvastatin, Telmisartan. Hiện có tới trên 1.600 mặt hàng thuốc/hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu, đến nay, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã đấu thầu tập trung được khoảng 40 mặt hàng thuốc/hoạt chất được đưa vào danh mục thuốc đấu thầu tập trung.

Đấu thầu thuốc quốc gia giảm hàng trăm tỉ đồng cho quỹ BHYT cũng như giảm chi tiền túi cho người bệnh

Điểm lại kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 2017 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cho thấy việc đấu thầu thuốc tập trung góp phần kéo giá thuốc giảm mạnh, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh (KCB) và chi phí hành chính cho các cơ sở KCB trong cả nước. Theo đó, vào tháng 7-2017, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia đã thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2017 với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 loại biệt dược và 17 thuốc generic). Tổng giá trúng thầu là 2.269 tỉ đồng, giảm được hơn 477 tỉ đồng, tương đương với tỉ lệ tiết kiệm khoảng 17% so với kế hoạch. Đáng lưu ý, một điều đặc biệt chưa từng xảy ra trước đây, có tới 3 loại biệt dược gốc giảm giá tới 12%. Tương tự, theo kết quả thí điểm đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (đơn vị mua sắm tập trung thuộc BHXH Việt Nam) tổ chức đối với 20 mặt hàng thuốc, giá thuốc trúng thầu giảm 21,12% so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 tiết kiệm 251 tỉ đồng chi phí thuốc cho người dân và giảm gánh nặng cho quỹ BHYT. Trong đó, tỉ lệ giảm giá thuốc biệt dược gốc trúng thầu từ 10%- 15%, đối với thuốc generic giảm giá từ 40%-55%.

Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược - Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam, cho biết việc lựa chọn thuốc đưa vào danh mục này của BHXH Việt Nam không trùng với danh mục thuốc, hoạt chất do Bộ Y tế đấu thầu tập trung và thuộc danh mục thuốc đấu thầu do Bộ Y tế ban hành. Tiêu chí lựa chọn là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về số lượng và giá trị sử dụng nhiều trong chi phí KCB BHYT; thuốc có nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất. Các thuốc chủ yếu được sử dụng tại các cơ sở KCB ở tất cả các tuyến, một số thuốc được sử dụng tại các cơ sở KCB là trạm y tế xã, phường, thị trấn trở lên.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, việc đánh giá hồ sơ dự thầu được tiến hành bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với chuyên môn phù hợp tại các bệnh viện lớn và các vụ, cục có liên quan của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, bảo đảm quy trình đánh giá khách quan, công khai, minh bạch. Kết quả đã chọn được nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Xét về mặt hiệu quả trong việc đấu thầu tập trung thuốc: các cơ sở y tế đỡ mất thời gian, công sức trong việc tổ chức mua sắm, đấu thầu; sẽ tập trung công tác chuyên môn. Các nhà thầu không phải mất thời gian, công sức đi tham dự thầu ở từng cơ sở y tế từ khâu mua hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ dự thầu, tham dự các buổi lễ đóng, mở thầu... Các nhà thầu xác định tổng nhu cầu mua với số lượng lớn, thời gian cung cấp ổn định từ 2-3 năm thì giá sẽ giảm hơn khi mua sắm tập trung.

Các chuyên gia cho rằng việc mua sắm tập trung thuốc với số lượng lớn trong thời gian dài sẽ làm giảm giá thuốc, góp phần giảm chi phí thanh toán cho ngành bảo hiểm cũng như bệnh nhân. Thống kê cho thấy trung bình mỗi năm chi phí KCB do quỹ BHYT chi trả lên tới trên dưới 90.000 tỉ đồng, trong đó, tiền thuốc chiếm tới 50%-60%. Nếu danh mục thuốc đấu thầu tập trung được mở rộng hơn nữa thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn cho ngân sách nhà nước, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng. 

 

Bài và ảnh: Khánh Anh

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ