A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phải thiết kế chính sách linh hoạt

10:25 | 16/06/2018

Hướng tới BHXH toàn dân là mục tiêu của chính sách an sinh xã hội quốc gia, tuy nhiên so với số lượng hơn 50 triệu lao động trên cả nước thì mục tiêu này vẫn còn quá xa vời.

Đây là thách thức đòi hỏi các nhà hoạch định xây dựng đề án cải cách chính sách BHXH phải thiết kế cho được một chính sách hướng tới số đông, đảm bảo đa số mọi người được nằm trong chính sách ấy.

Đa số người lao động sau khi bị ngừng lao động xin nhận trợ cấp một lần

Những con số thách thức

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến nay số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,79 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người.

Như vậy, trong tổng số hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động thì độ bao phủ chính sách an sinh xã hội chỉ tới được hơn 14 triệu người.

Trong đó, trải qua 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện nhưng chỉ thu hút được 240 nghìn người tham gia.

Một bất cập khác là trong tháng 5-2018, trên toàn quốc có 85.117 người hưởng trợ cấp một lần, lũy kế năm tháng đầu năm BHXH đã giải quyết cho gần 300.000 người hưởng trợ cấp một lần.

“Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 700.000 người hưởng trợ cấp một lần, đồng nghĩa với 700.000 người rời khỏi hệ thống BHXH. Con số này gần bằng với số người mới gia nhập BHXH hằng năm. Đây là vấn nạn cho chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, nên rất lo ngại”, ông Lê Đình Quảng- Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định.

Lý giải về nguyên nhân số lượng người nhận BHXH một lần tăng cao, chấp nhận rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, hệ thống lương hưu khi về già, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, đa số người lao động có việc làm không bền vững, đặc biệt là ngành sử dụng lao động trẻ như giầy da, may mặc, nhiều doanh nghiệp tìm cách cho người lao động trên 30 – 35 tuổi thôi việc.

Trong khi đó, đời sống, thu nhập của người lao động còn khó khăn, không có tích luỹ nên khi bị ngừng làm việc thì không có tiền mà lại không tìm được việc làm ngay, đặc biệt là việc làm có quan hệ lao động.

Do đó, họ phải nhận trợ cấp một lần để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lo kế sinh nhai.

Phó trưởng Ban Quan hệ lao động chứng minh: Vừa rồi Hội đồng Tiền lương quốc gia đi khảo sát tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang, họ có khoảng 15.000 lao động nhưng 4 năm rồi mà chỉ có 1-2 người về hưu.

Nghe thì khó hiểu, nhưng đó là thực tế vì người lao động chưa đến tuổi về hưu họ đã nghỉ làm, và hưởng chính sách trợ cấp một lần.

“Chính sách nhận trợ cấp một lần hiện nay chưa linh hoạt. Người lao động phải tham gia đủ 20 năm BHXH mới được hưởng lương hưu, trong khi đó những quy định cho hưởng trợ cấp một lần lại tương đối dễ dàng. Nhằm đảm bảo cuộc sống khi về già cho người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý siết chặt quy định hưởng trợ cấp một lần, nhưng phải đặt trong bối cảnh cải cách một loạt các quy định khác” - ông Lê Đình Quảng chia sẻ.

Chính sách phải bao phủ được nhiều đối tượng

Ngoài ra, người lao động ít mặn mà với BHXH còn có nguyên nhân khách quan là lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức chiếm số lượng lớn, lại cũng là lực lượng thu nhập thấp, không ổn định và chưa có thói quen tham gia bảo hiểm nói chung.

Trong khi đó, BHXH tự nguyện lại chưa hấp dẫn người dân tham gia vì có sự bất bình đẳng với BHXH bắt buộc, thể hiện ở việc quyền lợi của BHXH tự nguyện chỉ có hưu trí, tử tuất mà không được hưởng các chính sách ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp. Mặt khác thời gian tham gia bị kéo dài, đủ 20 năm đóng mới được lĩnh lương hưu…

“Cần phải điều chỉnh các chính sách để người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng năm chế độ như người tham gia BHXH bắt buộc; đồng thời giảm điều kiện thời gian tham gia dưới 20 năm để hấp dẫn dân”, ông Đỗ Ngọc Thọ- Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) khẳng định. 

Hướng đến BHXH toàn dân thì chính sách BHXH phải bao phủ được đại đa số người tham gia.

Thực tế cho thấy, phải đóng 20 năm mới được hưởng lương hưu, BHXH tự nguyện chỉ cho hưởng hai quyền lợi, lực lượng lao động phi chính thức chiếm phần lớn trong dân số ở độ tuổi lao động… thì những chính sách BHXH hiện nay chưa thể bao phủ được theo đúng mục tiêu “toàn dân” mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Chia sẻ về thời gian đóng kéo dài tới 20 năm, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, thời gian đóng liên quan đến việc thụ hưởng sau này của người lao động, do đó Chính phủ chủ trương kéo dài thời gian đóng nhằm mục đích đảm bảo một khoản lương hưu đủ sống khi không còn khả năng lao động.

Tuy nhiên, ai cũng mong muốn tương lai lâu dài được đảm bảo, nhưng trong số đó, rất nhiều người không thể chờ đến già, khi tương lai gần chưa đảm bảo.

Do đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng cần phải thiết kế chính sách làm sao phải linh hoạt hơn tăng số người thụ hưởng, làm sao để người lao động giảm nhận trợ cấp một lần, thay vào đó là tăng trợ cấp hằng tháng, thay vì phải đóng 20 năm thì có thể đóng 10 năm thôi.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ chính thức hoá khu vực kinh tế phi chính thức để người lao động có quan hệ lao động và tham gia BHXH bắt buộc.   

 Trần Quỳnh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ