A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghĩa tình cựu chiến binh

10:03 | 30/08/2014

Lặng lẽ trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh, những người lính năm xưa nay vẫn âm thầm cống hiến sức mình để cuộc sống thêm tươi đẹp, xã hội bớt đi những người nghèo - đó là những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong thời bình hôm nay.

“Nuôi heo đất” giúp người nghèo

Đến xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), nhắc đến ông Phan Liêu (thôn Hiệp Hưng) có lẽ không ai là không biết đến, bởi từ nhiều năm nay, ông luôn có những việc làm tình nghĩa như tiết kiệm tiền nuôi heo đất giúp đỡ người nghèo, tình nguyện thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã.

Từng là người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Liêu đã trải qua giai đoạn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên thấu hiểu được cuộc sống của những người nghèo. Do đó, từ những năm 2000, khi kinh tế gia đình vẫn đang còn chật vật chạy ăn từng bữa, ông đã quyết định mỗi ngày dành ra một vài nghìn tiền lẻ bỏ vào heo đất để góp phần ủng hộ người nghèo. Những năm đầu, số tiền ông tiết kiệm chỉ từ 300.000 đến 500.000 đồng/ năm, đến nay đã tăng lên hơn 1 triệu đồng/năm. Không chỉ thế, những năm gần đây, vợ chồng ông đã bảo nhau mỗi người “nuôi” một con heo đất để số tiền giúp đỡ người nghèo được nhiều hơn. Từ tấm gương của ông bà, phong trào nuôi heo đất ở xã Quảng Hiệp đã được nhân rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ các em học sinh đến cán bộ, viên chức và cả những hộ nghèo. Ông Nguyễn Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp cho biết: Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm vì người nghèo của xã tuy chỉ mới bắt đầu nhân rộng từ năm 2012, nhưng ông Liêu đã thực hiện gần 15 năm nay. Trước đây, cứ đến cuối năm thì ông Liêu lại đập heo đất đem tiền đến xã ủng hộ người nghèo. Bây giờ, cứ đến ngày 17-10 (Ngày vì người nghèo) hằng năm, tất cả mọi người đều tập hợp heo đất của mình lại để góp phần xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo.

Hằng ngày ông Liêu cùng vợ tiết kiệm tiền  “nuôi heo đất” để cuối năm có tiền giúp đỡ người nghèo.

Hằng ngày ông Liêu cùng vợ tiết kiệm tiền “nuôi heo đất” để cuối năm có tiền giúp đỡ người nghèo.

Một việc làm nữa của vợ chồng ông Liêu cũng luôn được người dân ca ngợi, kính trọng khi gần 10 năm qua, mỗi ngày đôi vợ chồng già lại tự nguyện đi thu gom rác thải trên địa bàn xã. Những năm đầu làm công việc này, ông một mình với chiếc xe cải tiến đi rong ruổi trên tuyến đường trung tâm xã để nhặt rác (vì tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải khi ấy trở nên bức thiết) mà không đòi hỏi khoản thù lao nào. Đến năm 2010, những hộ dân được thu gom rác thấy được việc làm ý nghĩa của  ông nên mới bắt đầu bàn nhau đóng lệ phí tiền rác hằng tháng (10.000 đồng/hộ/tháng), từ đó, ông cũng đã mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng đầu tư mua chiếc xe cày để tiện cho công việc thu gom rác. Năm nay, mặc dù đã 67 tuổi, nhưng hằng ngày ông vẫn cùng vợ dọn vệ sinh ở khu vực chợ và đi thu gom rác của hơn 400 hộ dân trong xã. Ông Liêu chia sẻ: “Gia đình tôi tuy không giàu có gì nhưng vẫn còn khá hơn nhiều hộ khác. Hằng ngày, trích ra một ít tiền lẻ để đóng góp cho người nghèo đó là một việc nên làm, bởi vì nếu có nhiều gia đình khác cùng làm như vợ chồng tôi thì sẽ có thêm nhiều hộ khó khăn được giúp đỡ”.

Người cựu chiến binh nghèo cưu mang trẻ mồ côi

Là thương binh hạng ¼, ông Ama Huyên (buôn Kiều, xã Yang Mao, huyện Krông Bông) luôn được người dân trong buôn gọi bằng cái tên thân thương: "Người cha nuôi của những đứa trẻ mồ côi".

Từng tham gia lực lượng vũ trang cách mạng khi mới 17 tuổi, với vai trò là trinh sát, khi chiến tranh kết thúc, mang thương tật trở về cuộc sống đời thường, ông vẫn hăng say lao động, chống lại đói nghèo. Những năm tháng cuộc sống còn khó khăn, hơn 4 ha đất canh tác trồng lúa nước, ngô lai, cà phê của gia đình cũng chỉ đủ nuôi gần 10 miệng ăn trong nhà. Năm 1995, trong một lần đi viếng đám tang của một người họ hàng trong buôn, thấy 6 đứa trẻ mồ côi mẹ không biết sẽ sống như thế nào trong thời gian tới khi người cha suốt ngày bê tha rượu chè, không quan tâm đến con cái, với tình thương của mình, ông đã quyết định đón những đứa trẻ này về nuôi và cho chúng đi học. Amí Huyên chia sẻ: “Lúc ông đón mấy đứa nhỏ về nuôi tôi nghĩ không biết liệu mình có nuôi nổi hay không, vì khi đó cả nhà đang phải sống tạm bợ trong ngôi nhà lụp xụp, rách nát. Hơn nữa, 5 đứa con tôi cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn, giờ thêm 6 đứa trẻ nữa thì sẽ ra sao, trong khi đó, đứa nhỏ nhất đưa về nuôi cũng chỉ mới 2 tháng tuổi”. Có lẽ vợ chồng ông sẽ chẳng bao giờ quên những năm tháng vất vả nuôi các con, mỗi khi nhà hết gạo, vợ ông phải chạy sang hàng xóm mượn đỡ về nấu cháo cho các con ăn, đến lúc con ốm đau thì thay phiên túc trực hằng đêm. Bây giờ, các con của Ama Huyên đều đã được dựng vợ, gả chồng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng mỗi khi nhà có việc hay những lúc rảnh rỗi đều về thăm cha mẹ. Ông Ama Huyên bày tỏ: dù cuộc sống có vất vả nhưng ông không thể làm ngơ trước số phận những đứa trẻ bất hạnh. Hơn nữa, việc giang rộng vòng tay cưu mang những đứa trẻ thiếu may mắn không chỉ có ông mà trong xã hội còn rất nhiều người làm việc thiện này.

Năm nay đã bước qua tuổi 70, sức khỏe ông Ama Huyên đã yếu, tinh thần cũng không còn minh mẫn, nhưng những việc làm tình nghĩa của ông sẽ mãi còn lưu lại với thời gian.

Thúy Hồng

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ