A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đi tìm “công tắc” bật lương tâm

15:51 | 29/03/2013

Một thành tựu của khoa học Nga năm 2012 là tìm ra cơ chế chịu trách nhiệm tạo cảm giác lương tâm bị cắn rứt. Tuy nhiên, tận dụng cơ chế này để “hoàn thiện nhân phẩm” là không được phép.

Theo báo Luận chứng và sự kiện của Nga, số ra tháng 7/2012, các nhà bác học thuộc Viện Não người gần đây đã tìm ra cơ chế trong não chịu trách nhiệm đánh giá hành vi của con người về mặt đạo lý.

Trước đó, nữ bác học về bệnh học thần kinh và tâm lý học nổi tiếng từ thời Liên Xô, Natalya Bekhterevna (1924 – 2008), đã tìm ra “máy phát hiện lỗi” - chính là ma trận ra quyết định: Cái này nên, cái kia chớ làm. Chẳng hạn, bạn quên tắt bếp khi ra khỏi nhà, bộ não (khỏe) sẽ lập tức bật “công tắc”, nhắc nhở bạn về điều này.

Với lương tâm cũng vậy, não sẽ ghi nhận các hành động của chúng ta, “chẩn đoán” hành động vừa rồi có phù hợp với các chuẩn mực đã biết. Nếu không phù hợp, não sẽ “đánh tín hiệu” vừa rồi có chuyện chưa ổn. Nếu bạn “lỡ tay”, thì chỉ sau vài phần nghìn giây, sẽ xảy ra biến động trên một số vùng của não. Các thực nghiệm cho thấy, vào thời điểm mà con người định nói sai sự thật, cũng như khi con người vừa mới nói dối xong, não phát tín hiệu báo “sai”, được điện não đồ ghi lại.

Nhồi sọ

Nhưng khi ai đó cố tình làm trái, cố tình dối trá, đánh lừa? Lúc đó đó bộ dò (detector – máy phát hiện) của não thông báo “điều này sai”, để người nói dối không tự dối mình – đó chính là lương tâm. Ngạn ngữ: “Lương tâm không cản được nói dối, mà chỉ ngăn người ta khoái trá về chuyện này”. Theo các học giả Nga, dối trá có vẻ là một thứ thuộc tính của cuộc sống. Nếu bạn chỉ nhăm nhăm công bố những sự thật “trần trụi”, thì hoặc mất việc ngay, hoặc bị vợ tống cổ khỏi nhà… (Ý này tương đương với “lựa lời mà nói” của văn hóa Việt).

Vì sao một số người tuân theo chỉ bảo của lương tâm, chịu giày vò và cảm thấy mình may còn có lương tâm, trong khi một số khác thì “táng tận lương tâm”? Theo viện sĩ Svjatoslav Medvedev, lãnh đạo viện Não người, “không có những người vô lương tâm”, chỉ có những quan niệm khác nhau về đạo lý. Chẳng hạn, một số dân tộc thiểu số vẫn gần đây vẫn còn thói quen hút, và canh tác cây thuốc phiện… Nhưng ngay cả ở những bộ lạc còn tồn tại các tập tục “dã man”, khái niệm “lương tâm” luôn “đứng” trong thang giá trị “con người”.

Đến thời văn minh, sự bổ sung các giá trị nhân văn mới đã làm thay đổi “ma trận” đạo lý. Vẫn còn, chẳng hạn những người nghiện, những kẻ giết người hàng loạt – nhưng họ là những kẻ bị bệnh, cần được chữa trị. Họ không kiểm soát được phần “con” trong con người mình. Chủ nghĩa phát xít vẫn tồn tại thứ “đạo đức” của họ: Những sĩ quan SS tàn sát biết bao người trong trại tập trung vẫn có thể nhỏ nước mắt khi con chó yêu bị chết. Họ bị “nhồi sọ” (thay đổi “ma trận” đạo lý) theo kiểu: không tuân lệnh của quốc trưởng là trái với danh dự sĩ quan Quốc xã.

“Tẩy não”

Nếu lương tâm là quá trình sinh lý, như kết luận của các học giả, thì quá trình này có thể “bị” điều khiển, chẳng hạn, bằng can thiệp về y học, giải phẫu…? Viện sĩ Svjatoslav Medvedev cho rằng điều này có thể thực hiện về kỹ thuật, nhưng trái với đạo lý. Vì công nghệ này lại có thể bị một thủ lĩnh Quốc xã (Fuhrer), hay “Ăng ca” nào đó ban cho đồng bào mình một “đặc ân”, là ra quyết định “tẩy não” hàng loạt, nhằm hiện thực hóa một chủ nghĩa phát xít mới.

Cuộc chơi tác động lên não để làm cho người ta “ngoan” lên là rất nguy hiểm, dễ bị lợi dụng. Và hiện tại, “bảng điều khiển đạo đức” (hay “công tắc tắt bật” lương tâm) hiện còn chưa tìm ra, chỉ mới tìm được cơ chế “khởi động” lương tâm mà thôi.

“Tắt” lương tâm

Học giả Nga vô cùng quan ngại tác động của chất gây nghiện trong “ngắt mạch” lương tâm. Trên thực tế, tác động lên não để “tắt” cơ chế điều khiển lương tâm đã được khối kẻ vô lương thực hiện. Chẳng hạn, những mưu toan tạo chứng gây nghiện rượu, thuốc lá, và nhất là thuốc phiện, để cầu lợi trên xương máu của đồng loại… Và người lái xe lạm dụng đồ uống có cồn tự bỏ qua cơ chế nhắc nhở hành động phải – trái định hình sẵn trong não, kiểu như: không chạy quá tốc độ X km trên đoạn đường Y. “Lương tâm” hay khả năng tự vấn bị đánh mất trong lúc say, và có thể vẫn chưa hồi phục cả sau khi “xỉn” (trạng thái khó chịu sau khi tỉnh rượu).

Nếu lạm dụng đồ uống có cồn, nghiện thuốc phiện, cơ chế “lương tâm” sẽ cố tranh đấu một thời gian, rồi có thể bị tê liệt. Quá trình “cai nghiện” cũng trùng với quá trình hồi phục lại “lương tâm”, hoạt động của “máy phát hiện” hành vi sai trái, và ma trận “cốt cách”, nói chung.

Ngẫm ta?

Lương tâm, dù chỉ là một quá trình sinh lý, giống như cảm giác “yêu thương”, nhưng là thuộc tính của con Người. Tuy nhiên, sống giữa những tham ô tập thể, vô cảm, khủng hoảng niềm tin, giữa những kẻ “nói dối thành thần” ngày một đông, đến mức người ngay sợ kẻ gian, chắc chúng ta phải tự hỏi: Câu “thật thà là cha quỷ quái” của ông cha, nay có còn đúng?

Lê Đỗ Huy

 

    Theo Khampha.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ