A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khách quốc tế đến Việt Nam: Vẫn chưa như kỳ vọng

14:06 | 22/08/2022

Từ đầu năm đến nay, du lịch tăng trưởng nóng, tuy nhiên chỉ rơi vào dòng khách nội địa, du khách quốc tế mới chỉ đạt 20% theo kế hoạch đón 5 triệu khách trong năm 2022. Bởi vậy tốc độ phục hồi du lịch quốc tế được đánh giá chưa đạt như kỳ vọng.

Du khách quốc tế trải nghiệm hát xoan ở Phú Thọ. Ảnh: Tùng Duy.  

Du lịch nội địa được cho là “bùng nổ” trong mùa du lịch hè vừa qua, nhưng với du lịch quốc tế lại khá trầm lặng. Tổng cục Du lịch thông tin, tính đến cuối tháng 7/2022, Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách quốc tế, đạt 20% trong mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, năm 2019 Việt Nam đón được gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế. Ở thời điểm đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đã chiếm khoảng 66% lượng khách đến du lịch Việt Nam. Nhưng sau 2 năm đại dịch Covid-19, những thị trường này đều đóng cửa, hiện mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại với thị trường đưa khách trong nước ra nước ngoài, thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách, đặc biệt Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch. Có thể thấy, khi những thị trường truyền thống chưa mở cửa hoàn toàn trở lại thì ngành du lịch Việt Nam khó hồi phục nhanh chóng.

Nguyên nhân khiến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa như mong muốn cũng được ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định, mùa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 năm nay kéo dài đến tháng 4 năm sau nên các tháng còn lại được coi là mùa thấp điểm. Bên cạnh đó, chính sách phòng chống dịch, mở cửa du lịch của các nước rất khác nhau. Trong đó, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á vẫn đang siết chặt phòng chống dịch. “Mặc dù lượng khách còn khiêm tốn nhưng đã có những dấu hiệu khá tích cực. Chúng tôi tính bình quân 7 tháng đầu năm thì mức tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam là 62%/tháng”, ông Đức cho hay.

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra là đón 5 triệu du khách quốc tế trong năm nay, Tổng cục Du lịch định hướng kết nối lại tất cả thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài và có đường bay thuận tiện đến Việt Nam. Ví dụ: châu Âu, Mỹ, Australia và thị trường mới nổi như: Trung Đông, Ấn Độ. Cùng với đó, Tổng cục đẩy mạnh giải pháp đồng bộ về sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá. Từ năm 2022, Bộ VHTTDL cũng đã đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động triển khai tập trung vào các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam… Dù vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên có chính sách cởi mở, thông thoáng trong việc cấp Visa và có thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh nêu thực trạng: Doanh nghiệp đã đón được những đoàn khách từ thị trường Mỹ, nhưng trong quá trình đón khách, doanh nghiệp đang khó khăn khi Việt Nam mới cho phép khách lưu trú 15 ngày, trong khi du khách muốn lưu trú tại Việt Nam lâu hơn. Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn, việc Việt Nam chỉ cấp Visa 15 ngày nên doanh nghiệp khó tổ chức những đoàn quy mô lớn.

Để khắc phục những rào cản nói trên, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị, thời gian tới Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn Visa 30 ngày, thay bằng 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước như: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Riêng với thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ và thủ tục. Bên cạnh đề xuất tạo thông thoáng cấp Visa, doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị Nhà nước kéo dài thời gian triển khai chính sách hỗ trợ, như: Nhà nước tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì chính sách hỗ trợ này trong năm 2023. Cùng với đó, ngành ngân hàng nên cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến hết năm nay…

Ở góc độ quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế, nếu chúng ta không tạo thuận lợi thì khó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

MINH DUY

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/khach-quoc-te-den-viet-nam-van-chua-nhu-ky-vong-5694568.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ