A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thêm gánh nặng BHYT học đường

07:48 | 03/09/2015

Việc tăng 1,5 lần mức đóng BHYT cho năm học mới có thể khiến nhiều gia đình học sinh - sinh viên nghèo khó có thể tham gia loại hình bảo hiểm bắt buộc này

Chị Hoàng Lan Hương (ngụ huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho biết vừa nhận được thông báo của nhà trường yêu cầu đóng 1 triệu đồng nhập học lớp 1 cho con, trong đó khoảng 500.000 đồng để mua thẻ BHYT. “Mức đóng BHYT năm nay cao gần gấp đôi năm trước, tạo thêm gánh nặng cho chúng tôi vì đầu năm học phải đóng đủ thứ tiền” - chị Hương nói.

Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ năm học này, ngoài tăng mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% trên mức lương cơ sở (tăng 1,5 lần so với mức đóng cũ), học sinh - sinh viên (HS-SV) phải mua BHYT theo năm tài chính (từ ngày 1-1 đến 31-12) thay vì mua theo năm học (từ ngày 1-9 năm trước đến 1-9 năm sau) như trước đây. Do thẻ BHYT cũ hết giá trị sử dụng vào ngày 30-9-2015 nên HS-SV sẽ phải đóng 15 tháng để được cấp thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31-12-2016.

Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng 145.000-220.000 đồng trong năm học 2015-2016

Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng 145.000-220.000 đồng trong năm học 2015-2016

Với những điều chỉnh này, sau khi trừ phần hỗ trợ 30% của nhà nước, chi phí mua BHYT năm học mới của HS-SV tăng thêm khoảng 145.000 đồng (tính theo thời hạn 12 tháng) và 240.000 đồng (thời hạn 15 tháng) - cao hơn khá nhiều so với mức cũ, chỉ 289.800 đồng.

Ông Vũ Bá Cương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định, cho rằng việc tăng mức đóng BHYT đối với HS-SV tạo thêm gánh nặng cho các gia đình. “Dù đây là đối tượng mua BHYT bắt buộc nhưng sẽ có nhiều trường hợp khó tham gia BHYT nữa. Bởi lẽ, với những gia đình có đông con đi học, điều kiện kinh tế còn eo hẹp thì khoản tiền này không hề nhỏ” - ông Cương nhìn nhận.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho rằng dù ở cấp tiểu học hay ĐH thì các khoản phí đầu năm cũng là một gánh nặng đối với rất nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo vùng nông thôn, miền núi. Vì thế, tùy điều kiện và quy định cụ thể, các địa phương có thể chia nhỏ thời gian đóng BHYT HS-SV theo 3 tháng hoặc 6 tháng để giảm gánh nặng chi phí đầu năm học cho phụ huynh.

“HS-SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có quyền tham gia BHYT theo hộ gia đình để được nhà nước hỗ trợ mức cao hơn (người nghèo được hỗ trợ 100%, người cận nghèo 70%)” - ông Sơn hướng dẫn.

Mục tiêu đến cuối năm 2015, 100% HS-SV cả nước tham gia BHYT nhưng hiện tại, khoảng 20% chưa tham gia. Theo BHXH Việt Nam, chi phí mua BHYT tăng có thể khiến mục tiêu này khó hoàn thành. Đáng nói là tới đây, viện phí sẽ điều chỉnh tăng và nếu chẳng may bị ốm đau, những gia đình không mua BHYT cho con em mình càng bị thiệt thòi.

Lo ngại HS-SV không tham gia BHYT vì mức đóng tăng cao, một số ý kiến cho rằng mức hỗ trợ 30% của ngân sách là chưa hiệu quả, cần tăng lên 50% hoặc có chính sách ưu tiên đối với HS-SV thuộc diện hộ nghèo, gia đình khó khăn ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Lương Sơn, chỉ tới khi viện phí được điều chỉnh, phần ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện chuyển sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT thì mới có thể tính toán tăng mức hỗ trợ đối với HS-SV.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

    nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ