A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cà phê - “mối lương duyên” giữa Buôn Ma Thuột và TP. Hồ Chí Minh

09:08 | 03/05/2024

Lịch sử của hai vùng đất Buôn Ma Thuột và Sài Gòn xưa có điểm giống nhau là lưu dân tứ xứ đến đây sinh cơ, lập nghiệp.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, giữa hai địa danh ấy đã có mối liên hệ mật thiết và khá thú vị thông qua câu chuyện sản xuất, mua bán cà phê - một trong những mặt hàng chủ lực và nổi tiếng ở cao nguyên trung phần này.

Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung được người Pháp đưa cây cà phê vào trồng từ cuối thế kỷ 19 - và trở nên nổi tiếng nhờ chất lượng tuyệt hảo của loại “trái đắng” kia mang lại. Giá trị kinh tế của cà phê ở đây đã bắt đầu thu hút nhiều người có tiềm lực ở khắp mọi miền tìm đến khai hoang, hoặc mua đất để lập đồn điền.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024. (Ảnh minh họa: Đạm Quang Lê)

Bà Trần Thị Cẩm Nhung (79 tuổi, trú 168 Quang Trung, TP. Buôn Ma Thuột) không quên ký ức xưa khi gợi lại câu chuyện làm cà phê của gia đình mình từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cả một vùng cà phê rộng lớn, khoảng hơn 100 ha từ cuối đường Phan Bội Châu vắt sang con suối Ea Nuôl (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn bây giờ) là của ông Trần Hữu Dụng, cha bà Cẩm Nhung từ Sài Gòn lên mua đất lập đồn điền mang tên Phước - Lộc - Thọ.

Đây là đồn điền đầu tiên đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thời đó vào sản xuất, chế biến cà phê - từ khâu phun tưới nước, thuốc bảo vệ thực vật bằng béc tự động, sàn lưới phơi lọc cho đến bồn chứa để chế biến ướt sản phẩm…

Vì thế thương hiệu cà phê nói trên nổi tiếng cả miền Nam, nhất là ở thị phần đô thành Sài Gòn ưa chuộng và tiêu thụ phổ biến thông qua các hãng buôn Phương Toàn, An Po của người Hoa ở Chợ Lớn.  

Bà Hồ Thị Bích Kim (82 tuổi), chủ tiệm cà phê lâu đời ở Buôn Ma Thuột có tên là Bâng Khuâng trên đường Phan Bội Châu nhớ lại: Vào thời gian trên, người Sài Gòn lên đây sản xuất, kinh doanh cà phê và dần tạo dựng thương hiệu cà phê Việt không thua kém gì cà phê CADA của người Pháp trước đó.

Dọc Quốc lộ 26 bây giờ, bên cạnh đồn điền cà phê của gia đình bà Bích Kim còn có nhiều cái tên nổi tiếng khác như: Hồ Hoàng, Đức Trung (của anh em nhà ông Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Đức Hường) và Hữu Lý (của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hữu Lý).

Họ đều là người Sài Gòn xưa viết nên “trang sử cà phê” Buôn Ma Thuột, để từ đó con cháu họ tiếp tục đưa hương vị cà phê ở xứ sở này đi xa hơn.

Trong câu chuyện với bà Hồ Thị Bích Kim, được biết ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay có tiệm cà phê nổi tiếng cũng mang tên Bâng Khuâng (nằm trên đường Thái Văn Lung, quận 1) do chị Phan Hồ Thục Đoan - con gái bà Bích Kim làm chủ.

Hương vị cà phê ở đây không khác gì Bâng Khuâng ở phố núi Buôn Ma Thuột, cũng được rang xay theo lối truyền thống từ hạt cà phê chín mọng mà gia đình bà Bích Kim thu mua gửi về. 

Cà phê là một trong những “gạch nối” từ quá khứ đến hiện tại để hai vùng đất trên ngày thêm xích lại gần nhau hơn, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho cả hai tỉnh thành trong bối cảnh liên kết vùng miền đang được chính quyền các địa phương xúc tiến mạnh mẽ.

Có thể nói, khởi đầu từ câu chuyện cà phê, giữa hai vùng đất Buôn Ma Thuột - TP. Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng, triển khai mối liên kết, hợp tác có hiệu quả trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, công nghệ...

Theo UBND tỉnh, đến nay Ðắk Lắk đã thu hút khoảng 50 dự án đến từ TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký trên 33.500 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Trung tâm Metro Cash&Carry Buôn Ma Thuột, Trung tâm Thương mại Nguyễn Kim, Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê, đặc biệt là Nhà máy chế biến Cà phê xuất khẩu Intimex được xem là động lực mới để gia tăng giá trị cho ngành hàng chiến lược này.

Những dự án trên góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Ðắk Lắk nhằm định vị ngày càng rõ nét hơn trong vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên.

Từ đó chủ động, tích cực tham gia nhiều chương trình hợp tác, liên kết nội vùng và liên vùng, trong đó TP. Hồ Chí Minh là ưu tiên hàng đầu để giúp vùng đất trên cao nguyên trù phú này tiếp tục phát triển toàn diện và ổn định hơn.

Theo UBND tỉnh, năm 2024 có nhiều sự kiện triển lãm, lễ hội, hội chợ và kết nối cung cầu diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh với quy mô cấp vùng và quốc gia như: Tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP của các tỉnh Tây Nguyên; Chương trình kết nối cung cầu các đặc sản khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ; Hội chợ Du lịch quốc tế TP. HCM.

Về phía Đắk Lắk cũng sẽ phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức một số hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đình Đối

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202405/ca-phe-moi-luong-duyen-giua-buon-ma-thuot-va-tp-ho-chi-minh-02411f7/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ