A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bao giờ môn Lịch sử lên ngôi?

10:45 | 04/05/2016

Thời điểm này, việc nộp hồ sơ đăng kí dự thi THPT 2016 đã hoàn tất. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể trên cả nước nhưng theo khảo sát tại nhiều tỉnh thành, tình trạng thí sinh “né” môn Lịch sử, Sinh học vẫn phổ biến.

 
Hy vọng về tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử năm nay cao hơn mức 15,3% của năm 2015 là khá mong manh. 
Ảnh minh họa.

Thống kê của Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM, kết thúc đợt nhận hồ sơ đăng ký thi THPT Quốc gia 2016 đơn vị này đã tiếp nhận 9010 hồ sơ đăng ký của thí sinh tự do (đã tốt nghiệp từ năm 2015 trở về trước).

So với năm 2015, số lượng hồ sơ giảm gần 50% do năm nay rất nhiều tỉnh tổ chức cụm thi nên thí sinh đăng ký ở tỉnh để tham dự kỳ thi thuận lợi hơn. Trong đó, chỉ có 2 hồ sơ đăng ký 8 môn, 2 hồ sơ đăng ký 7 môn còn lại khoảng 80% hồ sơ đăng ký 3, 4 môn.

Đối với học sinh lớp 12, TP HCM có hơn 51.000 em đăng ký dự thi THPT Quốc gia. Sẽ có 4 cụm thi được tổ chức, trong đó, ĐHQG TP HCM đảm nhận 3 cụm thi gồm Trường ĐH Bách khoa tổ chức cho 15.216 thí sinh; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: 14.711 thí sinh; Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn: 11.703 thí sinh. Cụm thi còn lại do trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức cho 13.495 thí sinh. 

Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, khảo sát sơ bộ cho thấy các môn tự chọn học sinh đăng ký nhiều nhất vẫn là Vật lý, Hóa học. Tình trạng không mới này mùa tuyển sinh nào cũng diễn ra bởi với cách thức thi không đổi, cơ hội xét tuyển vào các nhóm ngành “hot”, dễ xin việc, ra trường lương cao… khiến thí sinh né các môn xã hội là đương nhiên.

Đơn cử, theo quy chế thi do Bộ GD&ĐT quy định, các môn Lịch sử, Địa lý làm bài tự luận trong 180 phút, rất nặng, trong khi nếu chọn  Vật lý, Hóa học, các em chỉ phải làm bài trắc nghiệm trong 90 phút, một nửa thời gian lại dễ lấy điểm.

Tại Hà Nội, khảo sát sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội tại các trường cho thấy, trong tổng số hơn 66.000 thí sinh đăng ký thi tại các cụm do Sở chủ trì chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, chỉ có khoảng 10% học sinh chọn môn Lịch sử. Theo lãnh đạo Sở, dự kiến với lượng thí sinh đăng ký các môn chênh lệch lớn nên có những điểm thi có môn thi chỉ có một vài thí sinh, cần nghiên cứu để tổ chức thi đảm bảo an toàn, đúng quy chế mà không gây lãng phí.

Chẳng hạn, tại trường THPT Lý Thái Tổ, chỉ có 5 học sinh thi môn Lịch sử do các em chọn tổ hợp xét tuyển vào ĐH là khối C cùng với môn Ngữ văn và Địa lý. Theo lãnh đạo nhà trường, số học sinh chọn khối D nhiều nhất. Các khối A và A1 rất ít. Đặc biệt, nhiều phụ huynh, học sinh thể hiện rõ quan điểm sẽ chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ đi du học nước ngoài nên ngoại ngữ là môn được các em rất chú trọng. Khoảng 93% học sinh khối lớp 12 đăng ký chọn thi 5 môn. 

Tương tự, tại trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, có 18 học sinh chọn môn thi  Lịch sử trong tổng số 628 học sinh. THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lương Thế Vinh… không có học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử.

Thống kê nhanh tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Hòa Bình, Hà Nam... Lịch sử vẫn là môn ít thí sinh đăng ký ở các trường. Nhìn nhận thực trạng này, một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội vốn là một giáo viên dạy Ngữ văn khi trò chuyện bên lề với phóng viên có chia sẻ rằng dù nhà trường có chủ trương thành lập Ban xã hội nhưng chưa năm nào tuyển đủ học sinh để thành lập.

Nếu có cũng chỉ là các em theo khối D rải rác trong các lớp. Và bản thân khi theo sát chặng đường vào ĐH, CĐ của học sinh, vị hiệu trưởng này cũng phải thừa nhận tổ hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ đối với môn Lịch sử, Địa lý quá ít. “Khối ngành khoa học xã hội - nhân văn vốn lấy Văn, Sử làm gốc nay đã “mở cửa” cho cả thí sinh khối D, khối A… nên cơ hội đỗ ĐH cho học sinh khối C đã ít, nay càng ít.

Không trách được nhiều học sinh dù học giỏi Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cũng quay lưng với môn học mà mình yêu thích, có năng khiếu và quay sang chọn Vật lý, Hóa học để rộng đường chọn tổ hợp xét tuyển ĐH, CĐ lẫn việc làm trong tương lai. Bằng chứng là trong số những em được đào tạo bài bản về Lịch sử, đoạt học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia về môn học này, có được bao nhiêu em tiếp tục chọn học ĐH ngành Sử hay tất cả đều rẽ lối sang ngang?” – vị hiệu trưởng này tâm tư. 

Vừa rồi, trong Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đạt giải quốc gia môn Sử do Quỹ phát triển Sử học (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, trong số hơn 100 học sinh được giải, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với gần 20 em về trường ĐH các em dự định đăng ký thì câu trả lời đều không liên quan đến Sử.

Đa số đều chọn Luật, Báo chí Truyền thông, Học viện Ngoại giao… Những giải Nhất, giải Nhì… môn Lịch sử lại không học Sư phạm Lịch sử âu cũng là điều đáng tiếc. Nói như em Lê Thị Thoa- giải Nhất Quốc gia môn Lịch sử năm học 2013-2014, không phải là em không yêu thích môn Sử, nhưng để tiếp tục gắn bó với môn học này ở bậc ĐH, và sau đó trở thành giáo viên dạy Sử thì thực sự là một lựa chọn dũng cảm. Bản thân Lê Thị Thoa hiện đang là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội.     

Lam Nhi

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ