A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đừng cố chọn trường theo điểm thi

09:34 | 10/07/2017

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi biết điểm thi THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 1 lần duy nhất (trong khoảng thời gian từ 15 đến 23/7).

Nếu không trúng tuyển đợt 1, các em có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung nếu các trường còn chỉ tiêu.
 
 
Thí sinh và phụ huynh trong một buổi tư vấn xét tuyển tại Hà Nội.
 
Để không xảy ra các trường hợp đáng tiếc, Bộ GD&ĐT lưu ý với các thí sinh rằng: Các em chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần và không được điều chỉnh lại. Cho nên việc có thay đổi nguyện vọng hay không là rất quan trọng. Các em cần tìm hiểu kỹ các thông tin để đưa ra quyết định chọn đúng và trúng nhất, đừng chỉ lựa chọn trường theo mức điểm.
 
Theo ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Năm nay, các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm theo đề án mà trường đã công bố.
 
Đến ngày 12/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường làm căn cứ xét tuyển. Đối với thí sinh đây là lúc các em đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi toàn quốc để quyết định lần cuối việc đăng ký xét tuyển. Xét theo phổ điểm mà Bộ đã công bố cụ thể, thí sinh và phụ huynh có thể tham khảo và nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng có thay đổi nguyện vọng so với đăng ký lúc ban đầu hay không.
 
Ông Ga nhận định, nhìn vào phổ điểm năm 2017, các tổ hợp xét tuyển truyền thống như khối A, B (các khối có số thí sinh nhiều nhất) thì điểm thi hầu như không có sự khác biệt nhiều so với năm 2016. Đặc biệt đường trong của phổ điểm (phía điểm cao) thoải hơn. Do đó các trường tốp trên sẽ không có khó khăn gì trong xét tuyển, và có thể cũng không cần sử dụng nhiều đến tiêu chí phụ.
 
Năm nay có nhiều em đạt điểm cao hơn nên các em cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ việc điều chỉnh nguyện vọng của mình. Chẳng hạn: Các em yêu thích ngành Y đa khoa, các em có thể đăng ký xét tuyển ngành này ở Trường Đại học Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM…
 
Thí sinh đăng ký nhiều nơi, điểm của các em phù hợp với trường nào thì các em xét tuyển ở trường đó. Có nghĩa là cơ hội để các em trúng tuyển vào ngành nghề mà mình yêu thích là rất lớn.
 
Theo ông Bùi Văn Ga, việc điều chỉnh sau khi có kết quả thi tạo điều kiện cho thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển và chọn được ngành học phù hợp với nguyện vọng và khả năng của bản thân, phù hợp với kết quả thi. Tuy nhiên, các thí sinh hãy hết sức bình tĩnh, vì không phải trường hợp nào cũng cần điều chỉnh. Nếu kết quả thi hiện tại phù hợp với kết quả các em dự kiến trước đây thì hoàn toàn không cần thiết phải thay đổi.
 
Hiện tất cả các thông tin cần thiết cho các em Bộ đã công khai rộng rãi. Các em tham khảo thêm thông tin tư vấn từ các chuyên gia, thầy cô giáo để cân nhắc xem ngành nghề các em đã đăng ký có phù hợp hay không. Thứ hai là điểm các em dự kiến trước đây, so với mặt bằng chung có cần thiết thay đổi hay không.
 
Chọn ngành theo năng lực, sở thích
 
Về việc thay đổi nguyện vọng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng nhắc nhở các thí sinh: Để vào được đúng trường đúng ngành phù hợp, thí sinh nên căn cứ chủ yếu vào năng lực, sở trường, nguyện vọng, kết quả thi của mình so với tương quan chung, điểm của tổ hợp xét tuyển có lợi thế nhất. Cùng với đó, thí sinh hãy tham khảo mức điểm trúng tuyển hai năm trước của trường đã đăng ký xét tuyển (trong tương quan với các trường khác có cùng ngành đào tạo)… để điều chỉnh nguyện vọng.
 
Trong quá trình xét tuyển, các trường và hệ thống phần mềm chung sẽ xét tuyển như sau: Nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tiếp nguyện vọng 2. Nếu trượt nguyện vọng 1 thì danh sách sẽ tự đưa các em xuống nguyện vọng 2 và nếu trúng tuyển nguyện vọng 2 thì dừng ở đó không xét tiếp các nguyện vọng 3, 4…
 
Vì vậy, thí sinh không phải quá lăn tăn suy nghĩ nên nộp vào trường nào, mà chỉ cần xem năng lực, sở trường của mình là gì, mình muốn học ngành nào và chọn các trường đang đào tạo ngành đó để đăng ký rồi sắp xếp nguyện vọng từ 1 cho đến hết. Sau đó, đưa các thông tin đó lên phần mềm xét tuyển là xong và chờ đợi kết quả thông báo sau này.
 
Để giúp thí sinh không thay đổi nguyện vọng một cách thiếu cân nhắc, TS Phạm Mạnh Hà - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cũng cảnh báo thí sinh, việc cho thí sinh đăng ký tối đa nguyện vọng, cơ hội trúng tuyển đại học của các em sẽ rất cao. Nhưng có nên vào đại học bằng mọi giá không nếu đó là trường, ngành nghề các em không thích thì lại là vấn đề cần suy nghĩ.
 
Bởi vì theo số liệu điều tra xã hội học hàng năm tại các trường đại học thì có tới 10% - 15% sinh viên các trường đại học bỏ học sau 1 năm để thi lại vào trường mình ước mơ ban đầu. Đó là sự lãng phí ghê gớm cả về thời gian, tiền bạc của gia đình, xã hội. Chính vì vậy, thay vì cố chọn một ngành đại học nào đó để học, các em hãy lựa chọn một ngành mình đam mê ngay từ đầu. Còn nếu vẫn không thể đến với ngành mình đam mê, hoàn toàn có thể nuôi dưỡng đúng đam mê đó ở trường cao đẳng, trung cấp nghề…
 
Thủy Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ