A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục phổ thông: Khoảng trống phân luồng

09:59 | 26/12/2017

Trước mỗi kỳ thi và tuyển sinh, công tác hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh phổ thông lại được dư luận quan tâm.

Đơn cử như tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội hàng năm, số trường công lập trên địa bàn chỉ đáp ứng được 60-70 % nhu cầu của người học. Số học sinh (HS) còn lại có thể học ở hệ thống trường THPT dân lập, hoặc đi học nghề. 

Tuy nhiên trên thực tế, số HS chọn học nghề sau THCS nói chung là rất ít. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, nguyên nhân phần lớn bởi công tác hướng nghiệp đã bị xem nhẹ, hoặc bỏ qua.

Chính sách phân luồng đúng sẽ có cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo cân đối.

Học nghề chỉ để cộng điểm 

Về nội dung phân luồng, hướng nghiệp đối với giáo dục phổ thông, ngành GD&ĐT đã đặt ra mục tiêu, cho đến năm 2020 có 30% HS tốt nghiệp THCS vào trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và học nghề. Nhưng cho đến nay có thể khẳng định mục tiêu này rất khó để đạt tới.

Trong báo cáo tổng kết năm học 2016 – 2017, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng.

Phương thức giáo dục nhìn chung còn nhiều hạn chế, nặng về dạy kiến thức lý thuyết, thiếu điều kiện tổ chức cho HS thực hành, trải nghiệm; một số nhà trường thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp mang tính hình thức, kém hiệu quả.

Việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho HS THCS, THPT chưa thực sự hiệu quả.

Công tác hướng nghiệp bị xem nhẹ trong nhà trường phổ thông, nhưng lâu nay không ít trường cũng định hướng sai cho HS về việc học nghề ở năm học lớp 9.

Thay vì giúp các em chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường, thì việc học nghề lại chỉ nhằm vào mục đích cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào lớp 10.

Trong khi đó, đối với rất nhiều HS tốt nghiệp THCS, thay vì bước vào kỳ thi tuyển vào lớp 10 đầy cam go, các em có thể lựa chọn học nghề để nhanh chóng mở rộng cơ hội việc làm và thăng tiến cho bản thân.

Sau khi tốt nghiệp THCS, HS có thể vào học hệ trung cấp trong các ngành Điện công nghiệp, Điện tử dân dụng, Công nghệ ô tô, Tin học ứng dụng, Hàn, Quản trị khách sạn… Đây cũng là những nghề mà thị trường lao động luôn trong tình trạng thiếu nguồn “cung”.

Để không là mục tiêu suông 

Nhìn rộng ra, không chỉ ở bậc học THCS, việc phân luồng hướng nghiệp với HS sau THPT cũng còn nhiều bất cập.

Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT, ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông (gọi tắt Quyết định 16 của Bộ GD&ĐT), ngoài 13 môn học văn hóa, trong chương trình còn có các hoạt động: Giáo dục nghề phổ thông, giáo dục ngoài giờ lên lớp và giáo dục hướng nghiệp; trong đó hoạt động giáo dục hướng nghiệp được phân phối: lớp 10 với 9 chủ đề, lớp 11 và 12 với 8 chủ đề; thực hiện trong 9 tháng học, thời lượng chung 3 tiết/ lớp/tháng.

Nhưng do nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho HS phổ thông chưa đầy đủ, nên một số trường THPT không thành lập ban hướng nghiệp (theo Chỉ thị 33 của Bộ GD&ĐT).

Do đó, hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở việc định hướng HS chọn trường CĐ, ĐH phù hợp với học lực của từng em, chưa căn cứ vào năng lực bản thân, nhu cầu xã hội.

Cùng với đó, những buổi tư vấn hướng nghiệp được tổ chức gần kỳ thi chỉ giải đáp những băn khoăn của HS về những quy chế, đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia thủ tục xét tuyển, chưa có nhiều định hướng về đặc điểm, tính chất và xu hướng của ngành nghề đó trong tương lai.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục: Phân luồng trong giáo dục phổ thông được hiểu là tạo ra các con đường và định hướng cho HS phổ thông sau khi tốt nghiệp một cấp, bậc học nào đó có thể lựa chọn hướng đi phù hợp để học tiếp hoặc tham gia thị trường lao động.

Phân luồng là việc quy hoạch phát triển giáo dục theo các hướng khác nhau của toàn hệ thống giáo dục sau cấp học phổ cập bắt buộc để định hướng cho việc phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Phân luồng đi học lên cấp cao hơn, học nghề, phân ngành nghề, cấp bậc học cho phù hợp với đặc điểm mỗi cá nhân là việc làm có tính khoa học, nhân văn, mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội. Những đặc điểm, năng lực của từng cá nhân được hình thành và bộc lộ dần trong quá trình trưởng thành.

Thực tế cho thấy, mỗi HS có những thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh khác nhau.

Phân luồng HS trong giáo dục phổ thông (HS sau THCS, THPT) còn nhằm điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực của quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển để sử dụng một cách có hiệu quả nhất tài nguyên con người cho đất nước.

Do đó, nếu có chính sách phân luồng đúng sẽ có cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo cân đối, dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy toàn xã hội phát triển nhanh chóng, hài hoà.

Ngược lại, nếu không thực hiện tốt chính sách phân luồng sẽ lãng phí nguồn tài nguyên con người, nhiều sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc làm và nhiều học sinh tốt nghiệp các cấp không được học tiếp.

Theo đó, để góp phần tháo gỡ bất cập về phát triển nguồn nhân lực  trong thời gian tới, bài toán đặt ra cho ngành Giáo dục, ngành LĐTB&XH và toàn xã hội là làm sao đẩy mạnh công tác phân luồng ở giáo dục phổ thông để tạo nguồn đào tạo nhân lực cho thị trường lao động. 

Như thế, công tác phân luồng HS sau trung học là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài chứ không chỉ là mục tiêu suông.

Minh Hà

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ