A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đào tạo sư phạm: Lãng phí bởi đầu tư dàn trải

14:01 | 23/12/2017

Mới đây, tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, có ý kiến đề xuất chỉ miễn học phí đối với sinh viên sư phạm làm đúng nghề.

Đề xuất đó đã dấy lên những ý kiến tranh luận về việc nên hay không tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm. 

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Thanh Tra).

Trước sự không mặn mà của lớp trẻ với ngành sư phạm trong giai đoạn hiện nay, những người trực tiếp giảng dạy sinh viên sư phạm cho rằng: Tốt nhất nên tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, hoặc nếu có đóng học phí thì chỉ nên đóng một phần rất nhỏ thôi.

Bà Lê Thị Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục chính trị (ĐHSP Huế) chia sẻ: Hiện sinh viên của trường không phải đóng học phí, hoặc được trợ cấp học bổng.

Đối với sinh viên gia đình khó khăn có chứng nhận hộ nghèo hoặc cận nghèo, con thương bình liệt sĩ… thì còn được nhà nước hỗ trợ hàng năm bằng học bổng, trợ cấp.

Có nhiều khoa,  số sinh viên được hưởng học bổng lên tới 70%, nên các bạn dân tộc, có hoàn cảnh khó khăn vào học rất nhiều. 

Cho nên, trước câu hỏi có nên dừng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm hay không, quan điểm của bà Hương là không đồng ý với ý kiến sinh viên sư phạm phải đóng học phí.

Tốt nhất thực hiện chính sách như hiện nay, hoặc nếu có đóng thì đóng một phần rất nhỏ thôi.

Thứ nhất sinh viên sư phạm chủ yếu là con nhà nghèo, con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nếu đóng học phí nữa thì tăng gánh nặng cho gia đình.

Trong khi miễn giảm học phí sẽ phần nào khuyến khích được sinh viên giỏi vào trường sư phạm. Hiện nay đã có chính sách mà số lượng sinh viên vào trường sư phạm đang ngày càng giảm.

Có ngành chỉ tiêu rất nhiều nhưng sinh viên vào trường chỉ đếm đầu ngón tay. Nếu như bắt sinh viên sư phạm đóng học phí thì có khi sẽ rất nhiều trường sư phạm phải đóng cửa. 

Bà Hương cũng chia sẻ thêm: Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đang thực hiện giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm qua điều tra số lượng sinh viên ra trường có việc làm rất phù hợp.

Qua điều tra khảo sát việc làm sinh viên, Bộ GD&ĐT mới cấp ngân sách về là hợp lý.

Theo quy dịnh sau khi sinh viên ra trường từ 1-2 năm, trường phải làm báo cáo về Bộ. Các khoa sẽ có phiếu khảo sát việc làm sinh viên thông qua các kênh mạng xã hội, số điện thoại, địa chỉ gia đình...

Từ số liệu các trường cung cấp Bộ mới cho chỉ tiêu. Chỉ tiêu này cũng phụ thuộc vào tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, nhưng không quy định cụ thể phải đúng ngành nghề.

Ví dụ ở ĐH Huế, theo số liệu báo cáo của trường, số sinh viên ra trường khóa 2015 là trên 80% có việc làm.

Liên quan tới quan điểm cho rằng, sinh viên nào ra trường làm đúng ngành thì không phải trả lại học phí, còn sinh viên nào không làm đúng ngành thì phải trả lại, coi như vẫn có sự ưu ái cho các em học sư phạm ra làm đúng nghề, bà Hương cho rằng ý kiến này không khả thi.

Bởi lí do thứ nhất, số lượng biên chế cho ngành giáo dục hiện nay hạn chế và để sinh viên sư phạm ra trường làm đúng ngành nghề được là rất khó.

Đậu thủ khoa cũng chưa chắc xin được việc, lại đeo thêm khoản nợ sẽ tạo gánh nặng cho sinh viên. 

Cũng có những quan điểm đồng tình, GS TS Phạm Hồng Quang (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên), chia sẻ: Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm phát huy tốt trong khoảng những năm 1998 đến 2008.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do tình trạng có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, chỉ tiêu đào tạo hằng năm lớn nên có nhiều sinh viên học sư phạm được hưởng chế độ miễn học phí lại không có cơ hội phục vụ ngành giáo dục.

Chính điều đó dẫn đến việc lãng phí kinh phí khi miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Cũng có ý kiến cho rằng không công bằng với sinh viên ngành khác; Đồng thời lại có nhiều trường dựa vào chính sách miễn học phí sư phạm và cấp bù số học phí này nên cố gắng tăng số lượng sinh viên, dẫn đến hiện tượng dư thừa giáo viên…

Chính những lí do trên khiến cho chính sách miễn giảm học phí sinh viên sư phạm nảy sinh bất cập. Còn bản chất chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm không tự gây nên sự lãng phí.

Nguyên nhân cơ bản là đầu tư dàn trải hàng trăm trường sẽ khó đảm bảo chất lượng. 

Từ quan điểm đã nêu, GS TS Phạm Hồng Quang khẳng định, chính sách miễn học phí vẫn là chính sách nhân văn, cần thiết.

Bởi trong nhiều năm gần đây, điều kiện kinh tế của các gia đình có tăng lên song điều kiện ở một số tỉnh miền núi vẫn còn gặp khó khăn.

Các trường đại học lại tập trung ở thành thị với mức chi phí khá cao nên việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm rất có ý nghĩa, giúp gia đình có điều kiện đầu tư các chi phí khác cho sinh viên sư phạm được tốt hơn.     

Thủy Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ