A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình văn học mới: Còn nhiều bất cập

10:44 | 25/02/2018

Bộ GD-ĐT vừa công bố 6 tác phẩm văn học bắt buộc phải học tập và giảng dạy trong nhà trường phổ thông, là “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Truyện Kiều”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và “Tuyên ngôn Độc lập”.

 Các tác phẩm tiêu biểu trong các thời kỳ văn học sẽ được xếp vào phần phụ lục, các giáo viên có quyền lựa chọn để giảng dạy bên cạnh chương trình cứng gồm 6 tác phẩm bắt buộc.

Quy định này lập tức dậy sóng trong dư luận không chỉ của phụ huynh học sinh mà cả trong đội ngũ giáo viên và các em học sinh. Dư luận chung cho rằng: Quy định này chưa thật sự phản ánh được thành tựu của văn học Việt Nam và còn có phần phiến diện.

Chưa nói phần văn học dân gian (nền tảng của bất cứ nền văn học nào) văn học các dân tộc thiểu số hoàn toàn không được đề cập, mà phần văn học viết cũng quy định hết sức phiến diện: trong 6 tác phẩm thì có 5 tác phẩm của thời kỳ cổ và trung đại, chỉ có 1 tác phẩm hiện đại (Tuyên ngôn Độc lập) và cũng trong 6 tác phẩm thì có 5 tác phẩm đề cập tới đề tài chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc ta luôn luôn đấu tranh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, nhưng thời gian hòa bình xây dựng nhiều gấp hàng chục lần thời gian chiến trận, chẳng lẽ không có tác phẩm nào đáng để con em chúng ta học tập. Đã thế các tác phẩm được chọn chủ yếu lại là thể loại văn học chính luận. Rõ ràng ở đây có sự chưa chuẩn xác khi lựa chọn thể loại cũng như các tác phẩm tiêu biểu.

Chúng tôi thừa nhận 6 tác phẩm mà Ban soạn thảo lựa chọn đều là những tác phẩm tiêu biểu, nhưng chả lẽ nền văn học có hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc chỉ có bằng ấy tác phẩm. Thực tế, cách đây hàng chục năm khi đưa “Tuyên ngôn Độc lập” ra khỏi chương trình Ngữ văn, Bộ lập luận rằng không phải không đề cao tác phẩm này, mà vì đã dạy ở chương trình lịch sử rồi! Một tác phẩm văn học tiêu biểu mà lúc thì lý giải thế này, khi lại thế khác, để ở bộ môn này cũng được bộ môn kia cũng được là điều rất đáng phải suy ngẫm. Không suy ngẫm sao được khi mà hơn một thế kỷ văn học (từ đầu thế kỷ 20 đến nay), với những thành tựu của phong trào thơ mới, tư lực văn đoàn, văn học hiện thực phê phán… rồi mấy chục năm văn học chiến tranh cách mạng và xây dựng Tổ quốc… lại không có tác phẩm nào được chọn.

Người ta thường nói “Học xưa để biết nay”, do vậy bất cứ chương trình dạy văn nào cũng ưu tiên lựa chọn những tác phẩm hiện đại (tất nhiên là phải có giá trị), bởi đây là những tác phẩm đã và đang đồng hành với dân tộc, có tác dụng mạnh mẽ và trực tiếp tới sự hiểu biết và hình thành quan niệm thẩm mỹ của các thể loại học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Đến nay cần phải trở lại với nguyên lý giáo dục hết sức đúng đắn của chúng ta là: giáo dục “chân, thiện, mỹ” và “thể chất”. Bộ môn văn học là chương trình cốt lõi bồi đắp và hình thành quan niệm thẩm mỹ cho các em. Muốn thế thì các em phải hiểu biết có chọn lọc và hệ thống những cái hay, cái đẹp của nền văn học Việt Nam. Thử hỏi với 6 tác phẩm được lựa chọn, các em có thể hiểu biết toàn diện về nền văn học của dân tộc? Và với chương trình này, các em có thể hiểu biết phổ thông về văn học, như mục tiêu mà nền giáo dục đề ra?

Có thể Ban soạn thảo sẽ lập luận rằng đây chỉ là phần cứng, chương trình mềm sẽ do giáo viên lựa chọn trong phần phụ lục! Xin thưa, trước đây tất cả đều là chương trình bắt buộc mà nhiều khi học văn còn là nỗi chán chường của nhiều học sinh. Vậy nay là chương trình phụ lục, thì liệu thầy có dạy và trò có học? Đừng vì tình trạng dạy kém và học kém của một bộ phận ở các trường phổ thông mà thay đổi gần như sạch trơn chương trình (tất nhiên phải mạnh dạn gạt bỏ những tác phẩm không xứng đáng, vừa tạo nên quá tải và khiến học sinh chán học), mà cần thay đổi cách dạy, cách học.

Cần có chương trình cứng tức là những tác phẩm, tác giả tiêu biểu đã thống nhất khẳng định trong từng thời kỳ (những tác phẩm, tác giả nào chưa được nhất trí cao thì để vào phần phụ lục). Vấn đề còn lại là giảng dạy và học tập như thế nào? Bộ GD&ĐT đã rất có lý khi đưa ra là một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa. Những bộ sách giáo khoa biên soạn hay, có chất lượng sẽ được giáo viên và học sinh lựa chọn. Thêm nữa cần quan niệm sách giáo khoa chỉ là chỗ dựa, điểm tựa cần thiết để giáo viên và học sinh sử dụng khi học tập. Cần mở rộng khoảng trời sáng tạo cho giáo viên và học sinh (theo nghĩa không quá nô lệ sách giáo khoa), khi học tập một môn học gồm các tác phẩm có giá trị sáng tạo cao, có dấu ấn cá nhân hết sức đậm đặc như các tác phẩm văn học. Có nghĩa là: Chương trình là pháp lệnh, nhưng nghiên cứu và học tập phải coi là những chân trời sáng tạo, không thể và không nên giáo điều với việc dạy văn và học văn.  

 Trần Bảo Hưng

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ