A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Băn khoăn điểm chuẩn vào sư phạm

15:10 | 05/03/2018

Năm ngoái dư luận vô cùng băn khoăn việc nhiều thí sinh chỉ đạt 9-10 điểm cũng có thể đỗ vào ngành sư phạm.

 Mới đây, Bộ GD-ĐT có Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, áp dụng cho mùa tuyển sinh 2018. Theo đó, điểm chuẩn đầu vào sư phạm có ngưỡng điểm riêng; thí sinh xét tuyển bằng học bạ vào sư phạm bậc đại học phải đạt học lực giỏi năm lớp 12…

Phải là học sinh khá giỏi mới có thể vào ngành sư phạm.

Bảo đảm chất lượng đầu vào

Dự thảo có điểm mới nổi bật là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn). Theo dự thảo, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển.

Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, dự kiến từ năm 2018, Bộ GD-ĐT chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.

Đối với các trường xét tuyển không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên.Cụ thể, đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; đối với trình độ cao đẳng, trung cấp, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến -Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, lâu nay Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT nên bỏ việc quy định điểm sàn mà thay vào đó có thể áp dụng theo nguyên tắc: Nếu học trò đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia thì em đó có quyền đăng ký vào các trường đại học, còn việc có trúng tuyển hay không thì nên để trường đại học đó quyết định. Riêng đối với nguồn nhân lực giáo viên, do Bộ GD - ĐT quản lý, Bộ đưa thêm tiêu chí, điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo là phù hợp.

Nay việc Bộ GD-ĐT đưa ra quy định học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào đại học sư phạm; học sinh có học lực loại khá mới được xét tuyển vào các trường cao đẳng, trung cấp thì khó khả thi.

“Thực tế cho thấy, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp thì không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào mới tuyển được học sinh khá, giỏi. Nếu vẫn còn tình trạng cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp như hiện nay thì việc đặt ra tiêu chuẩn học sinh giỏi vào ngành sư phạm là rất khó khả thi”- ông Khuyến nhấn mạnh.

Điểm sàn cao sẽ thiếu sinh viên?

Việc Bộ GD-ĐT đưa ra quy định học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào đại học sư phạm; học sinh có học lực loại khá mới được xét tuyển vào các trường cao đẳng, trung cấp nhằm cải thiện chất lượng đầu vào sư phạm đang khá thấp hiện nay. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng những quy định này có phần duy ý chí và khó khả thi.  

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), khi bộ đưa ra dự kiến thay đổi này cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao sẽ dẫn tới thiếu đầu vào sư phạm, vì không có nhiều người giỏi vào sư phạm như thực tế những năm qua. 

Cùng quan điểm với TS Khuyến,ông Vinh cho rằng, muốn học sinh giỏi vào sư phạm thì nên có chính sách học bổng hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, lúc đó tự nhiên sẽ thu hút được người giỏi, mà không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào. Mặt khác, hiện nay đánh giá học sinh giỏi chủ yếu dựa vào 2 môn Toán -Văn, trong khi sư phạm có nhiều ngành, vậy nên nếu quy định cứng là xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên mới được vào đại học sư phạm là chưa ổn. 

Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, vừa qua dư luận bức xúc về vấn đề điểm sàn, nhưng giải quyết nó lại là bài toán vĩ mô. Phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc nên có điểm sàn hay không, vì phải bảo đảm vấn đề tự chủ và phân luồng, bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực, kể cả vấn đề tài chính. “Nhà nước có công cụ là thu học phí và chỉ tiêu, ví dụ nếu thấy ngành công nghệ thông tin đã bão hòa thì Nhà nước can thiệp bằng cách giảm chỉ tiêu ngành này. Đó chính là sự điều tiết của Nhà nước tuân theo quy luật thị trường. Như vậy, dù giao cho các trường quyết định điểm sàn thì vai trò quản lý nhà nước, ở đây là Bộ GD-ĐT, vẫn phải thể hiện rõ, thông qua việc bảo đảm cân đối cơ cấu nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo”, ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng quy định đó là một sự cần thiết và được xem là đột phá để chúng ta có được đội ngũ giáo viên tốt. Nhưng để đạt điều đó lại đòi hỏi đồng bộ một số giải pháp khác nữa. Đặt ra cao nhưng có ai chịu leo cao không mới là điều quan trọng. Nếu cứ mong muốn lấy người giỏi nhưng người ta không vào thì có mong muốn cũng chịu. Nhiều khi không cần đặt yêu cầu gì cả mà chỉ cần đưa ra cơ chế hấp dẫn, người ta đổ dồn vào thì các trường sư phạm tha hồ chọn người giỏi. Khi nhiều người dự tuyển mà lấy ít thì tự nhiên điểm chuẩn sẽ cao lên.

Về dự thảo của Bộ, quy định ngưỡng đầu vào rất đột phá. Tuy nhiên, theo ông Báo đó lại là hệ quả của một giải pháp khác. Nếu chỉ đưa ra như thế mà không có giải pháp thì với thực trạng ngành sư phạm hiện nay là khó tìm việc và lương thấp thì vẫn ít người muốn vào. Giải pháp theo GS Đinh Quang Báo, phải có nhiều chế độ thu hút người giỏi. Một là chế độ lúc đang học. Hai là học xong có việc làm ngay. Ba là khi đi làm thì lương hấp dẫn. Theo ông Tùy theo bối cảnh cụ thể để thực hiện. Ví dụ như trước mắt thì có thể quy hoạch lại và đảm bảo sinh viên học sư phạm xong ra có việc làm ngay. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện cuộc khảo sát thực trạng và nhu cầu nhân lực sư phạm do Bộ GD - ĐT kết hợp thực hiện cùng các địa phương và Bộ Nội vụ, để đảm bảo cung-cầu khớp nhau.    

Minh Hạnh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ