A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới tuyển sinh nghề: Vẫn bị động

09:39 | 03/04/2018

Đây là điểm đáng lưu ý tại Hội nghị giao ban công tác lao động, người có công và xã hội khu vực phía Bắc do Bộ LĐTB&XH; vừa được tổ chức.

 Theo đó, trước yêu cầu đổi mới, tạo đột phá trong đào tạo nghề trước thềm mùa tuyển sinh 2018, nhiều cơ sở đào tạo nghề vẫn còn bị động.  

Giáo dục nghề nghiệp rất cần sự đột phá mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nhiều trường chậm đổi mới

Theo Bộ LĐTB&XH năm 2018, giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính vì vậy, Chính phủ, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhờ đó công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã cơ bản ổn định, các địa phương đã thực hiện bàn giao quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ. Công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm; các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp (DN) đã được chú trọng đẩy mạnh, có những hoạt động cụ thể, thường xuyên. 

Theo thống kê trong 3 tháng đầu năm 2018 ước tuyển sinh được 86.600 người (đạt 4% kế hoạch), trong đó: cao đẳng, trung cấp: 21.600 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 65.000 người,  trong đó có 7.600 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, công tác triển khai thực hiện, tuyển sinh GDNN còn thấp (ước đạt 4% kế hoạch).

Đáng chú ý việc triển khai đào tạo nghề chất lượng cao (phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài...) còn chậm.

Đáng nói là dù mạng lưới cơ sở GDNN bước đầu đã được các bộ, ngành, địa phương rà soát theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 của Chính phủ tuy nhiên vẫn còn tình trạng chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo.

“Việc thực hiện tự chủ của các cơ sở GDNN công lập còn nhiều hạn chế, các đơn vị chưa được giao quyền tự chủ đồng bộ về xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý nhà nước về GDNN ở các bộ, ngành và địa phương còn thiếu và yếu, phần lớn thực hiện kiêm nhiệm. Việc đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDNN công lập vẫn còn chậm đến nay, mới có 3 trường cao đẳng tham gia thí điểm” – Bộ LĐTB&XH cho biết. 

 Đặt mục tiêu gắn kết với doanh nghiệp

Thực tế cho thấy tuy có những bứt phá nhất định, nhưng điểm yếu nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dàn trải, chất lượng không đồng đều, tư duy bao cấp còn nặng nề. Đặc biệt, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện rất yếu và không thực hiện được nhiệm vụ phân luồng. Bên cạnh đó việc đào tạo vẫn nặng tâm lý chạy theo số lượng dẫn đến thực trạng học nghề xong thất nghiệp khiến người học không thiết tha học nghề.  

Từ những hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: đào tạo nghề năm 2018 thực sự phải tạo được sự chuyển biến căn bản, toàn diện và tạo ra sự bứt phá mới. Trong đó phải tập trung vào việc quy hoạch mạng lưới, xây dựng đề án nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng thể chế, củng cố tổ chức bộ máy. Nơi nào chưa quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề thì phải quy hoạch ngay.

Dứt khoát việc đào tạo phải gắn chặt với DN, quản lý chặt các chương trình mục tiêu để đặt hàng đào tạo, tìm kiếm giải pháp để cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết hiệu quả với DN trong tổ chức đào tạo; xây dựng cơ chế tự chủ trong các cơ sở đào tạo nghề (tự chủ cả về tổ chức, giáo trình…) và khuyến khích các tổ chức tư nhân, nước ngoài tham gia vào đào tạo nghề.

Nhằm hạn chế sự lãng phí trong đào tạo nghề, Bộ LĐTB&XH đã ban hành công văn số 786/LĐTBXH về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động.

Theo đó đề nghị các DN cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của DN theo ngành, nghề; Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đẩy mạnh hợp tác giữa GDNN với DN; Thực hiện chính sách miễn giảm thuế DN đóng góp và tham gia đào tạo; Phân công nhân sự cụ thể phụ trách, theo dõi việc gắn kết GDNN với DN, thị trường lao động, đào tạo theo đặt hàng của DN; Tiếp cận, truyền thông và thiết lập kênh thông tin về hợp tác với các DN trong GDNN; Đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường -Doanh nghiệp trong GDNN…  

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), mùa tuyển sinh 2018, bậc TC, CĐ nghề năm nay rất rộng mở, với trên 800 ngành nghề CĐ, 500 ngành nghề TC. Về phương thức tuyển sinh không có thay đổi gì lớn, thí sinh tốt nghiệp THCS, THPT có thể lựa chọn một trong ba hình thức thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi và xét tuyển để đăng ký tuyển sinh vào các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo nhiều đợt quanh năm. Do đó, các em học sinh cần chủ động tìm hiểu, tham khảo tư vấn để lựa chọn được đúng ngành nghề phù hợp.

Nguyễn Đào

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ