A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Chọn ngành nghề đã thực tế hơn

09:35 | 08/05/2018

Việc chọn ngành nghề đào tạo như thế nào để phù hợp với năng lực sở trường của người học, cũng như đảm bảo yêu cầu ra trường có việc làm ngay luôn là mối quan tâm của nhiều phụ huynh và thí sinh.

Nhận xét của nhiều người cho rằng, tuy rằng thí sinh vẫn gặp “ma trận” tuyển sinh nhưng cách lựa chọn cũng đã thực tế hơn.

Xu hướng chọn ngành học của thí sinh đã thực tế hơn. (Ảnh minh họa).

Thời điểm này, học sinh lớp 12 ở các địa phương đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi “2 trong 1”, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ 2018. Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, mùa tuyển sinh này thí sinh (TS) đã chọn ngành học sát với thực tế hơn.

Cần hướng nghiệp để đi đúng mục tiêu 

Trước mỗi  mùa tuyển sinh cận kề, việc chọn ngành nghề đào tạo như thế nào để phù hợp với năng lực sở trường của người học, cũng như đảm bảo yêu cầu ra trường có việc làm ngay luôn là mối quan tâm của nhiều phụ huynh và TS. Mặc dù cơ hội vào các trường ĐH ngày càng rộng mở hơn, nhưng rõ ràng TS vẫn lúng túng trước ma trận ngành nghề để bước vào tương lai.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool cho biết, từng có một khảo sát nhỏ trong vòng một năm với học sinh, sinh viên và phụ huynh. Khoảng 80% học sinh THCS và THPT, 50% sinh viên  trả lời học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm. Chừng 40 - 50% sinh viên và 20 -25% học sinh THPT nói học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình… Rõ ràng việc học, thi hiện nay với các bạn trẻ như một quán tính. Hết cấp tiểu học thì lên cấp THCS, THPT, rồi vào ĐH.

Thực tế, trước thời điểm đăng kí dự thi, nhiều em vẫn lúng túng chưa biết lựa chọn trường, lựa chọn nghề. Năm 2017, thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian, nếu mỗi bạn trẻ không lựa chọn đúng con đường của mình. Cũng ở  mùa tuyển sinh năm trước, ông Bùi Xuân Tiến- Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động - Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (Sở LĐTBXH Hà Nội) tư vấn: Xã hội đang đòi hỏi sự năng động nên chọn những ngành nghề năng động để dễ kiếm việc hơn là những nghề đặc thù như luật, giáo viên... khó kiếm việc. Ví dụ, các trường có ngành công tác xã hội và dịch vụ xã hội vẫn có cơ hội ra trường kiếm được việc làm cao. Hay tại Hà Nội, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ có nhu cầu lớn về tuyển lao động đầu năm 2017. TS cũng có thể chọn ngành kinh tế, thương mại để có thể tự thân lập nghiệp, kinh doanh các ngành nghề đa dạng...

Có một thực tế là bao lâu nay, công tác hướng nghiệp trong nhà trường vẫn bị bỏ ngỏ. Với học sinh THPT ở những vùng nông thôn, các em chịu thiệt thòi hơn nhiều so với học sinh ở thành phố bởi bị hạn chế trong việc tiếp cận được những chương trình tư vấn hướng nghiệp hiệu quả. Vào mùa thi, những cuộc tiếp xúc tư vấn vẫn đều đặn diễn ra, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, còn các trường học ở nông thôn gần như thiếu vắng. Đó là nguyên nhân khiến đa số học sinh, sinh viên không biết mình học để làm gì, học cái gì cho phù hợp với bản thân mình... 

Vì thế, câu chuyện “sàng lọc” sinh viên ở nhiều trường ĐH có liên quan tới hướng nghiệp. Đơn cử như ở trường ĐH Bách khoa mỗi năm nhà trường cho thôi học từ 700 - 800 sinh viên cũng bởi các em thiếu định hướng học hành khi bước chân vào môi trường mới. Đây âu cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế hơn 

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, khác với các năm trước nếu như khối ngành kinh tế luôn là lựa chọn hàng đầu của TS, năm 2018 từ các số liệu thống kê, có thể nhận diện xu hướng chọn ngành nghề của TS đã thay đổi, không còn chạy theo tâm lý đám đông. Cụ thể, sau lộ trình 3 năm các trường được tự chủ xác định tổ hợp tuyển sinh, năm 2018 không còn quy định bắt buộc chỉ tiêu tối thiểu để xét tuyển cho các tổ hợp truyền thống nữa. Tuy nhiên, theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản các trường và TS vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển. 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), qui chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định “các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo”. Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có khoảng 100 tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn. Vì vậy, có thể thấy không phải cứ nhiều tổ hợp sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số của 3 mã tổ hợp A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh) và C00 (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý) đã chiếm đến gần 1,5 triệu nguyện vọng (gần 57%).

Như vậy, các tổ hợp xét tuyển và nhóm ngành TS đã lựa chọn tương ứng với các ngành nghề mà nhu cầu nhân lực trong tương lai đang rất cần như: dịch vụ xã hội, khách sạn- du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến… Số hồ sơ chọn ngành nghề nói trên đã tăng hơn so với năm 2017.

Lý giải về việc mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự xác định ngưỡng đầu vào (điểm sàn), theo bà Phụng đó là nhằm bảo đảm quyền tự chủ thực sự của các trường. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã lưu ý các trường: Điểm sàn sẽ chỉ được công bố khi có điểm thi. Về những dấu hiệu xét tuyển tổ hợp lạ bất thường, đại diện Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ, việc này đã được chấn chỉnh kịp thời. Bộ GD&ĐT tin tưởng đa số các trường sẽ có biện pháp để bảo vệ uy tín của trường mình. Bộ cũng sẽ giám sát những hiện tượng như sử dụng tổ hợp lạ, điểm sàn thấp. 

Mạnh Dũng

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ