A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Điều chỉnh quá trình dạy của giáo viên

08:34 | 29/10/2018

Một trong những yêu cầu đặt ra đối với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là giảm tải nội dung kiến thức, giảm số giờ học, tăng giờ thực hành... vốn là những hạn chế trong chương trình giáo dục hiện nay.

Chương trình GDPT mới được chọn lọc  nội dung giáo dục thiết thực. Ảnh: N. Quang.

Chọn lọc nội dung giáo dục 

Bộ GDĐT cho biết, chương trình GDPT mới đã giảm tải so với hiện hành thể hiện ở các điểm như: giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.

Cụ thể, ở chương trình GDPT mới, bậc tiểu học có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Trong khi đó, chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Còn ở bậc trung học cơ sở (THCS), các lớp đều có 12 môn học.

Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Đến cấp trung học phổ thông, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học. 

Về thời lượng, ở bậc tiểu học sắp tới học sinh sẽ học chương trình với 2.838 giờ (còn chương trình hiện hành là 2.353 giờ). Nhìn số giờ tăng nhưng việc “giảm tải” được Bộ GD-ĐT giải thích là bởi: Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học.

Còn chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học. Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành. 

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), đổi mới mang tính cốt lõi của chương trình GDPT mới đó là sẽ không bó buộc theo từng tiết, gây áp lực cho giáo viên mà sẽ giao khoán theo chủ đề môn học và số tiết cho phép phục vụ chủ đề đó. Tùy nhận thức của đối tượng học sinh mà giáo viên lựa chọn giao nhiệm vụ cho học sinh, biết quan sát và giúp các em vượt qua khó khăn để báo cáo, nhận xét và đánh giá kiến thức thu nhặt được, chứ không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức một chiều. 

Định hướng không cào bằng 

Cụ thể hơn, PGS Thành cho rằng, đối với chương trình, bộ SGK hiện hành rất nhiều người, kể cả các chuyên gia phát biểu chương trình của ta nặng so với thế giới. Nhưng mới chỉ nói chung chung là nặng, nói trẻ con học không có tuổi thơ vì nặng nhưng cần phải biết là nặng cái gì, nặng như thế nào. Thực tế, chương trình nặng bởi ba lý do. Trước hết do cách sắp xếp chương trình còn cồng kềnh, có sự trùng lặp kiến thức. Trong mỗi một môn khi lên cấp còn có sự lặp lại theo hình xoắn ốc. Nhiều kiến thức bên dưới học rồi, lên trên lại học lại. Hoặc sự trùng lặp giữa môn nọ với môn kia, do quá quan tâm đến logic. Như môn Lý cũng cần điện phân để ghép nối vào, môn Hóa cũng cần điện phân để ghép nối, rồi môn Công nghệ cũng vậy...

Lý do thứ hai là cách truyền tải, phương pháp dạy học chưa phù hợp. Lẽ ra cùng một chủ đề cứ khoán cho giáo viên 3 - 4 tiết, thì chúng ta lại cắt ra yêu cầu dạy chỗ này 1 tiết đầu, cái kia 1 tiết sau, 1 tiết sau nữa... Trong một tiết ấy, giáo viên cũng phải đặt vấn đề, học kiến thức mới, luyện tập, vận dụng... tầm 10 phút một hoạt động và các tiết sau, cũng chủ đề đó lại lặp lại các hoạt động như vậy.

Lý do cuối cùng là từ bản thân người thầy khi dạy học theo thói quen là dạy, diễn đạt lại những kiến thức đã viết trong sách, vô hình trung giáo viên đang chen giữa học sinh và SGK làm mất năng lực đọc hiểu của người học, tăng tải. Trong khi, điều cần diễn giải là vì sao, như thế nào lại bị xem nhẹ.

Chính vì vậy, với định hướng không thực hiện giáo dục cào bằng, chương trình GDPT mới sẽ tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những nội dung học tập phù hợp với bản thân mình. Quan trọng hơn trên cơ sở đó, sẽ điều chỉnh cả quá trình dạy học của giáo viên. 

Để làm được điều đó, yêu cầu giáo viên chuẩn bị kỹ càng về nội dung bài học, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới. Chỉ khi giáo viên chủ động sáng tạo, làm chủ mỗi tiết học thì mới có thể đem lại hiệu quả dạy và học tích cực.   

Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ