A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ai được quyền viết sách giáo khoa?

07:44 | 31/10/2018

Xung quanh vấn đề sách giáo khoa (SGK) và việc tổ chức thi tốt nghiệp, Đại đoàn kết đã trao đổi với GS.TS, NGND Nguyễn Lân Dũng- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

GS Nguyễn Lân Dũng.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng: “Về quyết định của Quốc hội là có nhiều bộ SGK, theo tôi,bên cạnh thực hiện nhiều bộ SGK thì nên có sách tham khảo. Vì chương trình Trung học cơ sở có đổi mới môn lý, hoá, sinh tích hợp lại thành một môn tự nhiên. Như vậy có khả năng một thầy dạy  cả 3 môn hoặc là một thầy dạy từng môn một, do đó sẽ khó khăn vì cùng một chương trình mà 3 thầy dạy, xu hướng là khi đào tạo tại trường sư phạm một thầy có thể dạy được cả 3 môn. Riêng tôi, tôi thấy điều này cực kỳ khó khăn bởi vì thường người ta biết mười dạy một, nếu trường sư phạm mà đào tạo một giáo viên biết cả lý, hoá, sinh trong thời gian 4 năm thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng . Tuy nhiên, phải đợi ý kiến của các giáo viên phổ thông, nếu các thầy thấy sự khó khăn thì lúc đó phải xem lại. 

Ở nước ngoài cũng có chuyện tích hợp lại nhưng mỗi môn là các thầy chuyên khác nhau dạy. Để khắc phục tình trạng một thầy phải dạy nhiều môn thì tôi suy nghĩ là nên có sách tham khảo cho thầy để giáo viên có hiểu biết rộng hơn và kết quả dạy học sinh được tốt hơn. Như vậy, về chuyện SGK, Nghị quyết của Quốc hội là cần có nhiều bộ sách, vì thế ngay từ giờ phải động viên các nhóm viết các bộ SGK. Theo tôi, không nên hạn chế ở việc ai được viết, ai không được viết mà chỉ yêu cầu một điều là làm đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, và chất lượng tốt hay xấu được quyết định bởi thị trường. Trên thế giới họ cũng không quy định ai được phép viết, ai không được phép viết nhưng họ có quy định chặt chẽ ai không viết đúng chương trình thì không được in.

Vì thế, với quy định ai được viết, ai không được viết tôi cho là vô lý, là không dân chủ. Không nên quy định cứ phải giáo sư, mà giáo viên nhiều năm có kinh nghiệm hoàn toàn có quyền viết. Không có lý do gì mà bàn tới tiêu chuẩn người viết. Chúng ta đã hội nhập quốc tế, nên cần xem thế giới họ làm như thế nào để áp dụng”. 

Về việc thi tốt nghiệp, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận nhiều. Để khắc phục những thiếu sót như vừa qua, việc thi 2 trong 1 vẫn cần phải làm vì chúng ta có rất nhiều trường đại học và cao đẳng. Do đó phải tôn trọng một kỳ thi lấy 2 kết quả, một kết quả tốt nghiệp phổ thông, một kết quả lấy điểm đỗ đại học. Thứ hai không để tỉnh nào chấm thi ở tỉnh đó. Có hai cách: Một là chấm thi trong cụm; hai là, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng cho rằng dùng cáp quang để chuyển toàn bộ bài thi về một nơi để chấm, làm được điều đó là tốt nhất. Còn coi thi tỉnh nào vẫn phải lo tỉnh đó. Tất nhiên là phải chấn chỉnh lại việc coi thi, tăng cường bộ phận giám sát coi thi. Các trường đại học tổ chức thi các địa phương cũng phải có trách nhiệm. Cho nên các địa phương tổ chức thi thì lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm làm cho tốt. Còn chấm thi dứt khoát không để tình trạng tỉnh nào chấm tỉnh đó như chúng ta vừa thấy Lạng Sơn, Hoà Bình, Sơn La thời gian qua, và 11 tỉnh khác cũng đang bị xem xét.

Còn vấn đề nữa, tôi cho rằng nếu như chúng ta xét chứng chỉ tốt nghiệp với số đông và thi tốt nghiệp để lấy điểm xét vào đại học, như vậy có lẽ tốt hơn. Nhưng còn một chuyện nữa là có lưu ban ở lớp 12 hay không, theo tôi nước nào cũng thế, không đạt chuẩn thì phải cho học lại, ở tất cả các lớp. Đó là vì học sinh, học sinh phải đảm bảo được tiêu chuẩn để tốt nghiệp. Bởi kiến thức ở phổ thông là kiến thức đi theo mỗi con người suốt cuộc đời, cho nên không thể coi nhẹ môn học nào”. 

Hải Nhi (ghi)

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ