Không để "nước tới chân mới nhảy"
Hầu hết các trường ĐH trên cả nước đã công bố điểm sàn xét tuyển. Đây là cơ sở để các thí sinh có thể xác định thứ tự nguyện vọng, chọn ngành/trường phù hợp với năng lực của mình.
Dù đến 17 giờ ngày 30-7 mới hết hạn đăng ký nguyện vọng nhưng các chuyên gia cho rằng thời điểm này, thí sinh cần tăng tốc, đưa ra những quyết định quan trọng.
ThS Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Thông tin Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cho rằng thí sinh không nên chủ quan. Bởi lẽ, càng sát ngày hết hạn sẽ có nhiều thí sinh cùng truy cập hệ thống một lúc. Trong đó, có thí sinh truy cập để chỉnh sửa nguyện vọng và thí sinh đăng ký nguyện vọng mới.
Ban Tư vấn trao đổi các vấn đề quan trọng khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ hết hạn đăng ký nguyện vọng. Ảnh: TẤN THẠNH
"Khi có sự cố, thí sinh sẽ mất thời gian để xử lý, thậm chí có thể mất cơ hội vào ĐH. Cả thí sinh và phụ huynh không nên chủ quan, nên chốt cho mình những nguyện vọng an toàn trước" - ThS Tú gợi ý.
ThS Lê Trọng Tuyến, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Tài chính - Marketing, đánh giá các nhóm ngành liên quan công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; nhóm ngành về kinh doanh quản lý như marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sức khỏe… có độ gia tăng về điểm sàn. Trên cơ sở đó, các chuyên gia dự đoán một số ngành "hot" sẽ tăng 1 - 2 điểm so với mức sàn mà trường ĐH đã công bố.
ThS Tuyến cho biết sau khi thí sinh hoàn tất đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ bắt đầu xét tuyển và tiến hành lọc ảo.
Nếu nguyện vọng 1 trúng tuyển thì mặc nhiên những nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa, dù dư điểm. Vì vậy, thứ tự đặt nguyện vọng phải ưu tiên theo sở thích và đam mê của thí sinh.
ThS Tuyến lưu ý việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh qua cổng thông tin hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhất thiết phải thực hiện theo giờ hành chính. Thí sinh có thể đăng ký vào bất kỳ thời điểm nào.
Đề cập nhóm ngành sức khỏe, ông Trần Minh Huy, Phòng Truyền thông - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết mức điểm sàn năm nay không có nhiều thay đổi. Với nhóm ngành sức khỏe, nhà trường có thêm 3 ngành mới, gồm: răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, hóa dược. Sinh viên học những ngành này sẽ được tiếp cận hệ thống thiết bị hiện đại nhất hiện nay; cơ hội thực tập và làm việc tại các bệnh viện lớn ở TP HCM cũng cao.
Cô đọng nguyện vọng
Hướng dẫn về cách đặt nguyện vọng phù hợp, ThS Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng thí sinh không nên đặt quá nhiều nguyện vọng. Thay vào đó, nên cô đọng nguyện vọng dựa trên mức điểm thi và sở thích của mình. Mỗi thí sinh đặt 6 - 8 nguyện vọng là phù hợp.
Chuyên gia này gợi ý mẹo đặt nguyện vọng như sau: Nguyện vọng 1 dành cho ngành yêu thích, có mức điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi 0,5 - 1. Nguyện vọng 2 dành cho ngành yêu thích, có mức điểm chuẩn dự kiến bằng với điểm thi. Nguyện vọng 3 được xem là nguyện vọng an toàn, có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn 1 - 3 so với điểm thi.
Những nguyện vọng tiếp theo nên đặt thấp hơn điểm thi. Nếu không chọn được ngành yêu thích, thí sinh có thể lựa chọn những ngành nằm trong nhóm ngành yêu thích để tăng cơ hội trúng tuyển.
PGS-TS Trần Trung Duy, Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Đào tạo và Khoa học Công nghệ - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở II), lưu ý thí sinh khi lựa chọn nguyện vọng nên tìm hiểu kỹ điểm chuẩn những năm trước của từng trường. Với những trường có từ 2 cơ sở trở lên, điểm chuẩn sẽ thay đổi theo vùng miền.
"Năm 2024, điểm sàn tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn giữ nguyên, trong đó cơ sở phía Nam có điểm sàn từ 18. Điểm chuẩn mỗi năm sẽ thay đổi, tùy số lượng thí sinh đăng ký vào. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển các ngành "hot" ở cơ sở phía Bắc sẽ cao hơn cơ sở phía Nam" - PGS-TS Trần Trung Duy thông tin.
Ông Duy cho biết Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có đào tạo ngành báo chí nhưng chỉ tuyển sinh ở cơ sở Hà Nội. Điểm chuẩn ngành báo chí năm 2023 là 25,6; thí sinh ở TP HCM nếu có đam mê thì cần lưu ý, xem xét kỹ trước khi đặt nguyện vọng.
Với những thí sinh đam mê nhóm ngành nghệ thuật, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết trường xét tuyển dựa theo tổ hợp các môn cơ bản và điểm thi môn năng khiếu. Hiện tại, trường vẫn tuyển sinh các ngành thanh nhạc, kiến trúc, piano, diễn viên. Đợt thi năng khiếu dự kiến diễn ra vào ngày 16-8 và nhà trường sẽ hỗ trợ ôn thi miễn phí cho các thí sinh đăng ký tham dự.
Rẽ hướng khi điểm sàn xét tuyển quá cao
Theo mức điểm sàn mà các trường ĐH công bố, Trường ĐH Sài Gòn đang dẫn đầu cả nước với điểm sàn ngành sư phạm toán là 24,5. Vì vậy, điều này đang tạo sức ép khá lớn với những thí sinh có đam mê làm giáo viên dạy toán.
Tại chương trình, ThS Hoàng Thanh Tú gợi ý thí sinh có thể rẽ hướng sang những ngành học khác liên quan như toán học, toán ứng dụng, toán tin.
"Sau khi tốt nghiệp nhóm ngành toán học, sinh viên có thể tham gia giảng dạy ở các trường ĐH, cao đẳng, viện nghiên cứu hoặc học tiếp sau ĐH và các chứng chỉ nghiệp vụ giảng dạy sư phạm theo yêu cầu để giảng dạy ở các bậc học khác" - ThS Tú cho biết.
Trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành với chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024:
Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), Tập đoàn Vingroup, Trường ĐH Văn Hiến, Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, Công ty CP Uniben, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF).
Nhóm Phóng viên
BÌNH LUẬN