Để mặc dân “hứng” bụi...
Có mặt trên đoạn đường từ trung tâm xã đến buôn Sah, nơi tập trung hàng chục cơ sở sản xuất gạch của địa phương dễ nhận thấy xe tải ben hạng nặng vận chuyển đất sét ra vào liên tục, biến con đường nhựa nơi đây bị phủ một lớp bụi dày, cây xanh chuyển thành màu vàng của bụi, đời sống của người dân khu vực lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Phạm Văn Xuân, một người dân buôn Sah rất bức xúc: “Hằng ngày phải 2-3 lượt đi về trên con đường này, người dân chúng tôi phải hít không biết bao nhiêu là bụi. Mỗi lần xe tải chạy ngang qua người đi bộ và phương tiện khác phải dừng lại một lúc mới thấy đường đi; chở con cháu đi học phải mang áo mưa (dù đang mùa khô) để tránh bụi bám đầy người”. Còn ông Đinh Duy Dũng người cùng buôn Sah thì phàn nàn, mọi thức ăn đồ uống mua về khi ngang qua đoạn đường này đều bị bụi dính đầy túi, nếu không buộc chặt, bụi táp vào đành phải vứt đi. Khổ nhất là các cháu nhỏ, hít phải bụi ho sặc sụa, sổ mũi, nguy cơ viêm đường hô hấp rất cao. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các tuyến đường có xe chở đất lưu thông qua cũng bị xẻ ngang dọc, nhất là các đoạn đường nội đồng buôn Sah gần điểm đặt máy xúc đất, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa rất cao. Ông Bùi Thế Hanh, trưởng xóm Đoàn Kết (buôn Sah) than vãn, mỗi lần đi trên đoạn đường này lại thấp thỏm lo âu, phần vì sợ sạt lở, phần sợ xe lao xuống các hố sâu dọc 2 bên đường. Đây là đường nội đồng, hàng năm người dân buôn Sah đều đóng góp tiền của, công sức tu sửa để phục vụ việc đi lại, sản xuất của mình, nhưng với tình trạng này, người dân không thể năm nào cũng bỏ công sức ra để đắp đường, xong lại bị xe cày nát! Việc khai thác nguyên liệu đất sét còn dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, thu hẹp đất nông nghiệp, từ con số thống kê của UBND xã Ea Bông cho thấy, đến thời điểm hiện tại, riêng tại xã có khoảng 100 ha đất nông nghiệp không sản xuất được, chính là hệ lụy từ việc khai thác đất sét quá sâu.
Cạnh con đường nội đồng buôn Sah bị khoét sâu đang đối mặt với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa.
Doanh nghiệp vẫn làm ngơ!
Có thể nói, Ea Bông là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất gạch tuy nen lớn nhất tỉnh. Việc hình thành các cơ sở này, ít nhiều đã tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp đã ngang nhiên vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Xin đơn cử, khi phóng viên tiếp cận vị trí đặt máy xúc đất sát mép đường nội đồng buôn Sah của một chủ cơ sở sản xuất gạch tên Hùng thì được ông chủ cơ sở này cho biết, đó là phần đất của nhà mình nên muốn đào khoét bao nhiêu cũng được (?!). Cũng theo chủ cơ sở này, với 1 chiếc xe ben loại 13 tấn, trung bình mỗi ngày đơn vị chỉ vận chuyển khoảng 4-6 chuyến đất sét về nơi sản xuất gạch cách vị trí lấy đất chừng vài cây số, nhưng theo phản ánh của người dân, mỗi ngày phải có trên 10 xe đất được vận chuyển về cơ sở này. Ông Hùng cho biết thêm, để sản xuất được khoảng 5 vạn viên gạch, mỗi năm cơ sở phải hạ điền (xúc đất sét ở đồng ruộng) trên 3.500 m2, độ sâu 3 mét trở xuống, nhưng ở những vị trí đất tốt, dễ khai thác thì cho nhân công đào sâu 10 mét.
Cách vị trí lấy đất của ông Hùng chừng 1 cây số là nơi lấy đất của một chủ cơ sở tên Thương. Tại thời điểm phóng viên ghi hình, có 2 máy xúc, 5 xe tải ben loại trên 10 tấn chờ chực lấy đất, với mật độ khoảng 5-7 phút/chuyến. Sau khi “no” đất, cánh tài xế nhấn ga phi ầm ầm, bụi bay mù khắp một góc trời. Ở những đoạn đường có nhiều người dân qua lại, tài xế vẫn phóng nhanh buộc họ tìm mé đường hoặc bờ ruộng để tránh. Được biết, đang là cao điểm của mùa khô, thuận lợi cho hoạt động sản xuất gạch nên các chủ cơ sở đã cho máy móc hoạt động hết công suất nhằm bù lại cho các tháng mùa mưa. Điều đáng nói, tuy chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đến 2 cây số, nhưng các hoạt động nói trên dường như địa phương không biết gì, mặc dù người dân đã nhiều lần lên kêu cứu, viết đơn phản ánh thực trạng trên đến chính quyền xã! Chỉ đến khi phóng viên có mặt tại cơ sở, địa phương mới chỉ đạo bộ phận địa chính đến xem xét tình hình, kiểm tra thực tế, mà việc này lẽ ra phải triển khai từ lâu.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Ea Bông, ông Khu cho biết, địa phương đã nhận được đơn của một số hộ dân ở buôn Sah, nhưng vì đầu năm bận nhiều công việc, cán bộ phụ trách môi trường của xã lại đang nghỉ phép nên chưa kiểm tra thực tế được. Doanh nghiệp cố tình làm ngơ, chính quyền sở tại thì “thong dong” nên người dân đang rất trông chờ vào các cơ quan có thẩm quyền sớm can thiệp, xử lý để họ được sống trong một môi trường trong lành, không bụi bẩn.
Hoàng Tuyết
BÌNH LUẬN