A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Siết" xe quá tải, hàng hóa đua nhau tăng giá

16:42 | 28/05/2014

Từ ngày 1-4-2014, khi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện việc kiểm tra trọng tải xe bằng các điểm cân lưu động (tập trung vào xe tải nặng, xe container, xe chở vật liệu xây dựng…) thì giá cước vận chuyển cũng tăng đột biến.

 Kéo theo đó, nhiều loại hàng hóa trên thị trường cũng đua nhau “đội giá”, tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng…

Hàng hóa tăng theo cước vận chuyển

Theo khảo sát tại địa bàn Dak Lak từ hơn 1 tháng qua, khi việc kiểm tra trọng tải xe được siết chặt thì giá cước vận chuyển cũng tăng cao. Điều này đang gây nên những khó khăn bước đầu cho một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh và đơn vị vận tải trong việc thỏa thuận giá cước vận chuyển hàng hóa. Anh Nguyễn Văn H., chủ DN ô tô vận tải ở phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, DN của anh có 4 chiếc xe ô tô, tải trọng mỗi chiếc là 11 tấn, chuyên chở hàng vật liệu xây dựng (VLXD) như xi măng, sắt thép từ một số DN phân phối trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột về các đại lý bán lẻ trong tỉnh. Trước đây, mỗi xe của anh đều chở hàng lên đến 25-30 tấn/chuyến, thì cước vận chuyển là 30.000-50.000 đồng/tấn. Thế nhưng từ khi ngành chức năng tỉnh triển khai việc cân xe quá tải thì anh không dám chở nhiều nữa. Anh H. cho biết thêm, hiện nay, mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa đúng tải thì tài xế và xe không phải vất vả, chạy ì ạch như trước nữa, nhưng nếu vẫn áp dụng với giá vận chuyển cũ thì nhà xe không đủ chi phí xăng dầu đi lại, buộc anh phải nâng cước phí lên 70.000-100.000 đồng/tấn (tùy từng đoạn đường xa gần) thì DN vận tải của anh mới có lãi.

Việc cước phí vận chuyển tăng cao cũng khiến nhiều chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh đồng loạt tăng giá các sản phẩm hàng hóa trên thị trường, nhất là VLXD, gạo và hàng tiêu dùng. Theo phản ánh của nhiều DN sản xuất, cửa hàng kinh doanh VLXD, từ khi triển khai việc “siết” xe vận chuyển quá tải thì số lượng hàng VLXD cung ứng cho thị trường có phần chậm lại, lượng mua cũng giảm hẳn do cước phí vận chuyển bị đẩy lên cao và giá cả các mặt hàng này cũng tăng mạnh. Cụ thể, giá xi măng đã tăng thêm 2.000 đồng/bao 50kg; cát, đá tăng 40.000 đồng/1m3, gạch tăng thêm 60 đồng/viên… Cùng với đó, các mặt hàng tiêu dùng như gạo, hoa quả, đường… tại nhiều cửa hàng và các chợ lẻ tại TP. Buôn Ma Thuột cũng tăng giá. Hiện nay giá dưa hấu Thái Lan tăng 6.000-8.000đồng/kg, thanh long Ninh Thuận tăng 5.000-8.000 đồng/kg, hoa quả nhập khẩu cũng tăng 5.000- 10.000 đồng/kg, đường kính cũng tăng từ 500- 1.000 đồng/kg… Chị Hoàng Thị Lệ Thu, chủ một đại lý gạo trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, hơn một tháng nay, tất cả các loại gạo đều tăng giá lên thêm 1.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi tấn gạo giá tăng thêm 1 triệu đồng. Chị Thu giải thích, việc tăng giá này không phải do thị trường thiếu gạo mà nguyên nhân chính là cước phí vận chuyển tăng cao, nên buộc các chủ đại lý phải tăng giá gạo bán lẻ để bù vào cước vận chuyển khi nhập gạo về…

Lợi dụng việc giá cước vận chuyển tăng, nhiều tư thương thu mua nông sản tìm cách ép giá người nông dân.
Lợi dụng việc giá cước vận chuyển tăng, nhiều tư thương thu mua nông sản tìm cách ép giá người nông dân.

Cần sớm bình ổn thị trường

Bất ngờ vì nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc, chị Trần Thị Hồng, người dân tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Đi chợ mấy ngày nay thấy mặt hàng nào cũng tăng giá, trừ các loại rau củ và thịt, cá do các tư thương mua của người dân trên địa bàn và vận chuyển bằng xe máy. Điều này càng làm cho những bà nội trợ như tôi phải đắn đo để thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho túi tiền của gia đình”. Ngược lại với người tiêu dùng, những nông dân làm ra sản phẩm cũng đang gặp khó vì bị tư thương lợi dụng cớ tăng giá cước vận chuyển để ép giá đủ đường. Ông Nguyễn Văn Ninh ở xã Ea B’hôk (huyện Cư Kuin) than thở: Giờ đây, người nông dân không chỉ phải gánh chịu chi phí sản xuất tăng cao mà còn chịu thêm áp lực từ việc tăng cước vận tải nên tư thương đang tìm mọi cách để ép giá thu mua. Nếu như những tháng trước đây, các sản phẩm mà người dân làm ra như bơ, mít, xoài hay ngô, lúa… khá dễ bán, tư thương còn về tận vườn để thu mua với giá cao, thì giờ đây họ lại tìm cách chê quả nhỏ, xấu, mua với số lượng ít… nhằm ép giá xuống từ 2000-5000 đồng/kg. Lý do các tư thương đưa ra là giá xăng dầu tăng và các trạm kiểm soát tải trọng kiểm tra nghiêm ngặt, tài xế không dám chở quá tải như trước nên chi phí vận chuyển bắt buộc phải tăng theo.

Ông Y Puăt Tơr, Phó Trưởng Ban ANTGT tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhận định: Khi thực hiện việc siết chặt xe quá tải, các cơ quan quản lý nhà nước đã dự đoán được xu hướng tất yếu giá các loại hàng hóa liên quan tới vận tải sẽ tăng lên, tác động tới túi tiền của người dân. Tuy nhiên, trước hậu quả do xe quá tải gây ra như đường sá, cầu cống hư hỏng; những vụ tai nạn giao thông thảm khốc; “làm luật” để được chở quá tải… đã gây ra những tác động tiêu cực đối với xã hội. Đứng trước bài toán đánh đổi, dĩ nhiên người dân sẽ phải lựa chọn chấp nhận giá cả một số hàng tiêu dùng tăng. Bởi, nếu cứ để đường tiếp tục bị phá nát thì thiệt hại về vật chất, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Thực tế hiện nay, mặc dù giá cả nhiều loại hàng hóa tăng theo cước vận chuyển gây nên những khó khăn ban đầu nhưng đa phần các DN kinh doanh, vận tải và người tiêu dùng đều đồng tình, ủng hộ chủ trương đúng đắn này của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến của các chuyên gia thị trường còn cho rằng, việc kiểm soát chặt tải trọng xe sẽ tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các DN vận tải. Ban đầu, nhiều loại hàng hóa sẽ gánh chịu giá cước cao hơn nhưng về lâu dài, giá cả sẽ dần đi vào ổn định, kinh tế của người dân phát triển bền vững hơn... Cũng theo ông Y Puăt Tơr, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cũng như lợi ích cho người nông dân làm ra sản phẩm, góp phần ổn định thị trường, đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm đưa ra những giải pháp đồng bộ và cơ chế quản lý thị trường hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa” lợi dụng việc tăng cước phí vận chuyển để ép giá người sản xuất và tăng giá bất hợp lý đối với người tiêu dùng.

 Quốc Thành

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ