A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung phải ngưng hoạt động

10:36 | 20/08/2014

Hàng loạt công trình nước sinh hoạt tập trung (SHTT) trên địa bàn tỉnh sau một thời gian đi vào hoạt động hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp phải ngưng hoạt động, gây lãng phí tiền của…

Hàng chục công trình ngưng hoạt động

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 107 công trình nước sinh hoạt tập trung (SHTT), với tổng số vốn đầu tư hơn 345 tỷ đồng, công suất thiết kế đáp ứng cho 34 ngàn hộ dân với khoảng 170 ngàn nhân khẩu. Trong đó, hiện chỉ có 25 công trình hoạt động bền vững, hiệu quả (23,4%), 22 công trình hoạt động trung bình (20,6%), 18 công trình hoạt động kém hiệu quả (16,8%), và 42 công trình đã ngưng hoạt động (39,2%).

Tại xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), từ năm 2003-2005 địa phương được đầu tư xây dựng 7 công trình nước SHTT nhưng đến nay đã có 4 công trình ngưng hoạt động, nằm phơi nắng, mưa và đang từng ngày xuống cấp.  Ông Võ Hồng Hải, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, các công trình nước SHTT trong xã được xây dựng từ nguồn vốn do Đan Mạch tài trợ và một phần người dân đóng góp; sau khi công trình hoàn thành thì giao lại cho dân quản lý, điều hành. Do không có nguồn kinh phí hoạt động mà chỉ dựa vào tiền thu từ bán nước cho dân luôn thấp, không ổn định nên khi sự cố xảy ra thì không có kinh phí sửa chữa, công trình không hoạt động được. Mới đây, UBND xã họp dân, khảo sát lại công trình và có văn bản gửi thành phố để xin hỗ trợ sửa chữa nhưng chưa có hồi âm.

 Công trình nước SHTT thôn 2 và thôn 4  (xã Hòa Xuân,  TP. Buôn Ma Thuột) hư hỏng không hoạt động được.

Công trình nước sinh hoạt tập trung thôn 2 và thôn 4 (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) hư hỏng không hoạt động được.

Ông Vũ Quyền, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ cấp nước sinh hoạt thôn 2 và thôn 4 (xã Hòa Xuân) cho hay, năm 2004 ông và 3 người khác được người dân tín nhiệm bầu làm quản lý, điều hành công trình nước SHTT, cung cấp nước cho 294 hộ. Theo đó, sẽ thu của người sử dụng 1.200 đồng/m3, số tiền này dùng để trả tiền công, chi phí sửa chữa, tiền điện…Nhưng do công trình thường xuyên hư hỏng, giá điện tăng cao trong khi giá nước không tăng nên thu không đủ bù chi; đến năm 2011 khi hai máy bơm của công trình bị hư, không có tiền sửa chữa đành phải đóng cửa. Lúc đó, nếu có kinh phí thay mới chỉ mất khoảng 40 triệu đồng, nhưng bây giờ phải mất hàng trăm triệu đồng. “Nhu cầu nước sinh hoạt của bà con ở hai thôn là rất bức thiết, nhưng do hạn chế về kinh phí, tháng nào may mắn lắm khấu hao hết chi phí cho hoạt động cấp nước thì mỗi cá nhân (tham gia điều hành) chỉ nhận được khoảng 200 ngàn đồng tiền công, có nhiều tháng không có đồng nào nên rất khó để việc điều hành quản lý công trình được hiệu quả”- ông Quyền giãi bày.

Cần một cơ chế phù hợp

Theo Sở NN và PTNT, hiện hoạt động của các công trình cấp nước SHTT trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Số công trình ngưng hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân một phần do công tác thiết kế thi công công trình còn nhiều hạn chế; một số vùng nhận thức của người dân về tham gia sử dụng, bảo vệ công trình còn thấp, nhưng rõ nét nhất là do bộ máy quản lý, vận hành công trình yếu kém. Đơn cử trong 60 công trình ngưng hoạt hoạt động và hoạt động kém hiệu quả thì có đến 17 công trình do UBND xã và 35 công trình do cộng đồng quản lý. Huyện Ea Súp có 5 công trình nước SHTT, trong đó có 3 công trình do UBND xã quản lý thì tất cả đều ngưng hoạt động. Một nguyên nhân quan trọng nữa là các địa phương thường giao trách nhiệm vận hành công trình cho những người không có chuyên môn; không đề ra được quy chế hoạt động cụ thể; không xây dựng được một nguồn kinh phí nào để duy tu bảo dưỡng công trình thường xuyên.

Ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và môi trường nông thôn tỉnh cho rằng: bộ máy quản lý các công trình ở các địa phương không xây dựng được cơ chế lương, bảo hiểm xã hội cho những người làm công tác này thì rất khó để họ tận tâm với công việc. Để khắc phục tình trạng này, nên chăng cần đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp những công trình hư hỏng còn khả năng phắc phục được; đồng thời đổi mới mô hình quản lý. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh cho phép khắc phục, sửa chữa, và quản lý 38 công trình hư hỏng đưa vào vận hành phục vụ người dân tại chỗ.

 Vạn Tiếp

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ