A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chủ động nước tưới cho vụ đông xuân 2014 - 2015

14:41 | 26/11/2014

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi, vụ đông xuân 2014-2015 sẽ rất khó khăn về nguồn nước tưới,...

...  vì vậy ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều phương án chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là bảo đảm nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân 2014-2015.

Sẽ khó khăn về nước tưới

Vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 44.105 ha cây trồng hằng năm các loại, trong đó, lúa nước 31.000 ha, ngô 4.000 ha, khoai lang 930 ha, sắn 900 ha, rau các loại 3.675 ha, đậu các loại 930 ha… Tổng sản lượng lương thực phấn đấu đạt 221.399 tấn (lúa 198.400 tấn; ngô 23.000 tấn). Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, tình hình mực nước ở các sông suối trên địa bàn tỉnh thời kỳ đầu vụ, khả năng duy trì ở mức thấp hơn nhiều năm do mùa mưa kết thúc sớm hơn, đến giữa và cuối vụ, khả năng nhiều suối vừa và nhỏ bị cạn kiệt, lượng nước chảy trong mùa kiệt sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, do vậy nguồn nước phục vụ sản xuất, chống hạn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là thời kỳ cuối vụ. Hiện nay, các hồ chứa lớn cơ bản đã đạt mực nước thiết kế, riêng hồ Ia J’lơi (huyện Ea Súp) có nguy cơ thiếu nước về cuối vụ do lượng sinh thủy thấp, lượng nước về hồ không đáp ứng được yêu cầu so với thiết kế; hồ Vụ Bổn chỉ đạt 70% và Buôn Triết đạt 60% so với mực nước dâng bình thường. Các hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Súp, Lak, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Buk, Krông Bông, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột cơ bản đạt mực nước dâng bình thường, tuy nhiên, dung tích các hồ không bảo đảm theo thiết kế do lòng hồ bị bồi lắng và khả năng phục vụ nước tưới còn hạn chế. Các huyện còn lại là Ea H’leo, Ea Kar, M’Drak và Krông Pak có nhiều hồ chưa đạt mực nước dâng bình thường. Mực nước ngầm duy trì ở mức thấp và có thể suy giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới.

Ảnh trên: Hồ chứa Dak Du (huyện Lak) cơ bản đã tích đủ nước nhưng bị sụt lún 2 vai tràn khiến không bảo đảm khả năng tưới theo thiết kế

 Hồ chứa Dak Du (huyện Lak) cơ bản đã tích đủ nước nhưng bị sụt lún 2 vai tràn khiến không bảo đảm khả năng tưới theo thiết kế

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lak, hiện nay trên địa bàn huyện có 44 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 9 trạm bơm điện, 18 đập dâng và 16 hồ chứa. Đến thời điểm này, các hồ đập thủy lợi đã tích nước đến ngưỡng tràn, tuy nhiên có nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, vì vậy, vụ đông xuân 2014-2015, chỉ bảo đảm nước tưới cho 74% diện tích cây trồng cần nước. Tại huyện Ea Kar, qua khảo sát 53 hồ chứa, thì chỉ có 57 % công trình thủy lợi đạt dung tích thiết kế, đặc biệt có 6/53 hồ có mực nước dưới tràn từ 2-3 m, đạt dưới 50 % dung tích thiết kế; mức nước sông Krông Pak và Krông Năng đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, 12 trạm bơm (phục vụ tưới 1.640 ha lúa, 180 ha cà phê), trong đó có 9 trạm bơm thuộc địa bàn 3 xã (Cư Bông, Ea Pal, Ea Ô) được khai thác từ nguồn nước sông Krông Pak cũng có nguy cơ thiếu nước rất cao nếu không có sự phối hợp điều tiết nước. Do vậy, dự báo nguồn nước sẽ thiếu hụt cho sản xuất vụ đông xuân 2014 -2015 và sinh hoạt của người dân là rất lớn.

Xây dựng phương án sản xuất an toàn

Theo Sở NN-PTNT, sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 phải theo hướng an toàn và hiệu quả trên cơ sở chủ động rà soát, khoanh vùng sản xuất, cân đối nguồn nước và khả năng khai thác các nguồn nước tưới bổ sung. Cụ thể, đối với vùng an toàn nguồn nước, cần đầu tư thâm canh, sử dụng các giống lúa lai F1, lúa thuần có năng suất cao, gieo sạ tâp trung vào trà chính vụ; đối với các vùng không chủ động hoàn toàn nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước cuối vụ nhưng không đủ điều kiện chuyển đổi cây trồng cạn và vẫn phải sản xuất lúa thì cần chủ động xây dựng các phương án chống hạn kết hợp với sử dụng giống ngắn ngày và gieo vào trà sớm. Ngoài ra, các địa phương cần nhanh chóng nạo vét kênh mương, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, bảo đảm dòng chảy ổn định trên các hệ thống tưới; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận dụng hợp lý các công trình, cân đối, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu cây trồng, phân loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm; tập trung gieo trồng đúng thời vụ để tiện cho việc tưới và tiết kiệm nước.

Nông dân huyện Ea Kar chuẩn bị đất cho gieo trồng vụ đông xuân 2014-2015.

Nông dân huyện Ea Kar chuẩn bị đất cho gieo trồng vụ đông xuân 2014-2015.

Trên cơ sở hướng dẫn chung của Sở NN-PTNT, nhiều huyện đã có những vận dụng linh hoạt vào tình hình sản xuất tại địa phương, đơn cử như huyện Ea Kar, sau khi đánh giá tình hình khí hậu thời tiết và thực trạng nguồn nước tưới, địa phương đã xây dựng các phương án tổ chức sản suất xuất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong trường hợp thời tiết tháng 11 đến 12-2014 lượng mưa bảo đảm đạt trung bình hằng năm (từ 1.600-1.700 mm) và nguồn nước các công trình thủy lợi, sông, suối ao hồ tích đủ nước thì huyện thực hiện gieo trồng 6.400 ha, gồm: lúa nước 5.000 ha, ngô lai 100 ha, khoai lang 400 ha, đậu đỗ các loại 200 ha…, còn nếu như lượng mưa thấp hoặc kết thúc sớm (lượng mưa nhỏ hơn 1.500 mm), huyện sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất cho từng loại cây trồng hợp lý trên từng khu vực sản xuất, bảo đảm năng lực tưới của từng công trình thủy lợi. Chú trọng sản xuất cây lúa nước và cây công nghiệp, cương quyết không đưa những diện tích không bảo đảm nguồn nước tưới theo yêu cầu vào kế hoạch sản xuất.

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak đang ngày càng khó khăn hơn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc chủ động đối phó với diễn biến thời tiết cực đoan là rất cần thiết để sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Sở NN-PTNT vừa có văn bản hướng dẫn lịch thời vụ đông xuân 2014-2015 cho một số cây trồng chính, theo đó, đối với cây lúa, trà chính vụ tập trung gieo sạ từ 15-12-2014 đến 5-1-2015 để thu hoạch dứt điểm trước 25-4-2015, ưu tiên sử dụng các giống lúa lai F1 và lúa thuần năng suất cao; trà sớm bố trí gieo sạ trước 15-12-2014, sử dụng các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, trung ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; trà muộn chỉ áp dụng cho các chân ruộng hay bị ngập lụt đầu vụ do lũ bất thường, bố trí gieo sạ từ 10-1 đến 20-1-2015 để có thể thu hoạch xong trước 30-4-2015, lựa chọn và sử dụng các giống như ở trà sớm. Đối với cây ngô, sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày, gieo trồng càng sớm càng tốt nhằm tận dụng độ ẩm của đất, kết thúc thời vụ gieo trồng chậm nhất vào 15-12-2014. Đối với đậu đỗ, sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 60-75 ngày và gieo trồng sớm trong tháng 11-2014, kết thúc gieo trồng chậm nhất vào 10-12-2014.

Thuận Nguyễn

 

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ