A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Loay hoay phát triển xe điện

08:28 | 16/11/2023

Mặc dù một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện đã ra đời, song độ phủ của xe điện vẫn chưa tăng như kỳ vọng.

Băn khoăn khi sử dụng xe điện

Đang sở hữu một chiếc ô tô điện với mẫu mã khá thời thượng, chị Trần Linh Diệp (Mỹ Đình – Hà Nội) đã phải kể ra một số bất cập, rằng toà nhà chung cư mi ni của chị ở chưa có trạm sạc. Vì vậy muốn sạc điện, chị Diệp buộc phải đưa xe đến một trung tâm thương mại ở gần nhà.

Trong khi đó anh Nguyễn Quang Thái (Định Công – Hà Nội) nói, nhà anh cũng sở hữu xe ô tô điện nhưng sạc ở nhà không được vì nguồn điện để sạc cho pin xe là điện 3 pha. Vì vậy mỗi lần sạc điện anh phải lái xe ra trạm sạc, nếu trụ có công suất lớn thì mất 2 tiếng đồng hồ ngồi chờ. “Trong khi bơm xăng thì chỉ mất vài chục phút. Đi xe điện, tốt cho môi trường nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập” – anh Thái chia sẻ.

Nhiều người có ý định mua xe ô tô cũng cho biết gặp khá nhiều băn khoăn khi lựa chọn giữa xe điện và xe chạy bằng xăng, dầu bởi hạ tầng trạm sạc công cộng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dùng. Chưa kể đọc thông tin thấy một số chung cư, trung tâm thương mại bị quá tải trạm sạc ở một số thời điểm nhất định.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ô tô của cả nước trung bình là 13,3%/năm; tốc độ tăng trưởng xe máy là 9,3%/năm. Trong số đó, số lượng ô tô và xe máy điện tăng nhanh chóng trong những năm gần đây (hiện có 20.065 ô tô điện và khoảng 2 triệu xe máy điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận).

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, hiện tại, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường. Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.

Cần xây dựng định hướng chiến lược

Ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nói rằng để chuyển đổi sang xe điện hóa và xe dùng Năng lượng Xanh, cần tới cả nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Về chính sách hỗ trợ người dùng xe điện, ông Quyết cho rằng, với ô tô, cần có chính sách khuyến khích người dùng. Khi có sự cạnh tranh về giá giữa xe điện và xe truyền thống, người tiêu dùng sẽ tự quyết định.

Ông Phan Lê Hoàng Linh - Trưởng phòng Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nhấn mạnh, phát triển xe điện và xe thân thiện môi trường là một trong những nội dung được quan tâm nhất khi xây dựng chiến lược phát triển ngành ôtô giai đoạn 2030-2045. Từ đó, ông Linh cho rằng chiến lược điện hóa của các hãng ôtô ở Việt Nam cần tiếp cận và có lộ trình phù hợp, dựa trên cam kết tại COP26, Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển đổi cần phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân (dải sản phẩm xe điện hóa đa dạng hơn sẽ mang đến nhiều lựa chọn và khoảng giá bán hơn); đặc biệt là điều kiện phát triển hạ tầng trạm sạc.

Giới chuyên gia cho rằng, trong chiến lược này, đầu tiên cần phải có lộ trình và chọn dòng xe điện hóa thích hợp với Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển đi kèm với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thói quen sử dụng của người tiêu dùng và hạ tầng trạm sạc.

Đáng chú ý, cần gấp rút ban hành các quy chuẩn về trạm sạc điện; cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng; ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc...

H.HƯƠNG

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/loay-hoay-phat-trien-xe-dien-5744146.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ