A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vi phạm ghi nhãn mác hàng hóa tràn lan

14:06 | 30/09/2015

Việc ghi nhãn hàng hóa (NHH) là bắt buộc trong kinh doanh nhằm tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (NTD), nhưng quy định này chưa được nhiều hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ.

NHH là cơ sở quan trọng để NTD nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm mình cần. Đó là một trong những dấu hiệu giúp NTD có thể nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật quy định rõ về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng loại  hàng cụ thể: hàng hóa xuất, nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trong nước có cách thức thể hiện, màu sắc và ngôn ngữ trình bày nhãn hiệu khác nhau. Tuy nhiên, theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), trên địa bàn tỉnh, vi phạm về NHH diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhập khẩu. Trong khi các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chấp hành khá đầy đủ thì tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ…, việc ghi NHH vẫn chưa được thực hiện tốt.

Mỹ phẩm không nhãn mác và hàng hóa giả nhãn hiệu bị cơ quan chức năng  phát hiện, tịch thu.

Mỹ phẩm không nhãn mác và hàng hóa giả nhãn hiệu bị cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu.

Trên thực tế, tại một số chợ như Tân Thành, Trung tâm Buôn Ma Thuột,  nhiều loại bánh ống quế, xoắn, kẹo đậu phộng… được bày bán nhiều mà nhãn mác không hề có hạn sử dụng, ngày sản xuất, hoặc ghi địa chỉ cơ sở sản xuất không rõ ràng. Tại các quầy mỹ phẩm có rất nhiều sản phẩm được người bán giới thiệu là hàng Thái Lan, Nhật Bản, Pháp… nhưng không hề được dán nhãn phụ tiếng Việt. Theo lời giới thiệu của người bán, mới đây chị Phan Thị X. (NTD phường Tân Thành) có mua hộp mỹ phẩm hiệu Evoluderm tại một cửa hàng quen biết nhưng trên nhãn mác toàn tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt khiến chị không yên tâm sử dụng. Tương tự, NTD cũng không khó bắt gặp các sản phẩm đồ chơi trẻ em không nhãn mác được bày bán công khai trên vỉa hè, các cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện trong tỉnh với giá vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/ sản phẩm. Mới đây, trong đợt kiểm tra thị trường Tết Trung thu 2015, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra hai cửa hàng bày bán đồ chơi trẻ em H.P và Đ.H trên đường Y Jut, TP. Buôn Ma Thuột đã phát hiện nhiều sản phẩm đồ chơi bằng nhựa, lồng đèn không có nhãn mác, không dán tem hợp quy, hợp chuẩn. Theo chủ cửa hàng, số hàng trên được nhập về theo từng kiện và chỉ có một nhãn mác chung trên bao bì thương phẩm (!)           

9 tháng năm 2015, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 84 vụ vi phạm về NHH. Theo thông tin từ Chi cục, lỗi phổ biến thường là không có nhãn mác, ghi nhãn không đúng quy định, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn rách, mờ, giả nhãn hiệu… Phần lớn các vụ việc được phát hiện tại các cửa hàng bán lẻ, và tập trung vào một số mặt hàng như bánh kẹo, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm... Đáng chú ý là tình trạng NHH có tên gọi gần giống nhau nên dễ gây hiểu lầm cho NTD như nước giải khát nhãn hiệu Lavie bị nhái thành nhãn hiệu Lavillle, La vier; bột giặt Omo cũng bị giả mạo bằng tên gọi khác như Omos, nước khoáng Vital thành Vilan…

Chi cục QLTT tỉnh cũng cho biết, do số hộ kinh doanh nhiều, hàng hóa lại phong phú trong khi lực lượng của Chi cục mỏng nên vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để được nạn gian lận NHH, do vậy NTD cần tạo cho mình thói quen xem kỹ nhãn mác, bao bì sản phẩm trước khi quyết định chọn mua. Quan trọng hơn, tâm lý sính hàng ngoại hoặc ham hàng giá rẻ của một bộ phận NTD (sẽ rất dễ bị mua nhầm hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn phụ bằng tiếng Việt …) nên cần sớm loại  bỏ.

 Trâm Anh

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ