A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tác động từ các phiên tòa xét xử lưu động

13:53 | 05/08/2016

Các phiên tòa xét xử lưu động tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo quần chúng nhân dân được tham dự nên đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân…

Mới đây, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại UBND phường Tân An. Từ 7 giờ sáng, đã có nhiều người dân đến hội trường UBND phường, mặc dù 8 giờ phiên tòa mới bắt đầu. Tại phiên tòa, bị cáo Võ Đăng Hậu bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Nhiều người dân tỏ ra phẫn nộ đối với hành vi của bị cáo, một số tỏ ra thông cảm vì bị cáo ít học, không hiểu biết pháp luật. Khi hội đồng xét xử bước vào nghị án, người dân bắt đầu tranh luận về bản án sắp dành cho bị cáo, có người nói nên xử án nặng để trừng trị, có người cho rằng cần cho bị cáo cơ hội để làm lại cuộc đời… Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hậu 7 năm tù. Chị Hoàng Kim Phượng, ở phường Tân An chia sẻ: “Tôi nghĩ bản án tòa tuyên là thích đáng và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Theo tôi, tòa án nên tổ chức nhiều phiên xét xử lưu động như thế này để người dân theo dõi, hiểu biết thêm pháp luật, từ đó hạn chế được việc vi phạm pháp luật”.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Cư M’gar.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại huyện Cư M’gar.

Theo thống kê của TAND tỉnh, trong năm 2015 (tính từ ngày 1-10-2014 đến 30-9-2015) TAND đã xét xử 1.416 vụ án hình sự sơ thẩm, trong đó có 194 vụ án được đưa ra xét xử lưu động. Còn trong 6 tháng đầu năm 2016 (từ 1-10-2015 đến 30-3-2016) đã có 50 vụ án được xét xử lưu động trong tổng số 624 vụ án hình sự sơ thẩm được giải quyết. Những vụ án được Tòa lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án điểm, những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, được dư luận quan tâm, gây bức xúc trong nhân dân như: Mua bán trái phép chất ma túy, giết người, hiếp dâm... Điển hình như ngày 11-3-2016, TAND huyện M’Đrắk đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động và tuyên phạt Lý Văn Chài (trú thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện M’Đrắk) 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Theo cáo trạng, trong tháng 7-2015, Chài đã sử dụng cưa lốc và dao phát hủy hoại hơn 1 ha rừng tự nhiên do UBND xã Cư San quản lý, gây thiệt hại về lâm sản và môi trường với số tiền gần 195 triệu đồng. Hay như vào ngày 15-8-2015, TAND huyện Krông Pắc đã tổ chức phiên tòa xét xử lưu động và tuyên phạt Nguyễn Văn Hải (trú thôn 17, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) 7 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cũng có những phiên tòa tuy bản án dành cho bị cáo không cao nhưng rất được dư luận quan tâm như vụ án Phạm Quang Hào (SN 1989), trú xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin bị TAND huyện Cư Kuin phạt 10 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” khi có hành vi dùng dao, gậy gỗ để chém, đánh anh ruột mình gây thương tích 10%; dùng cuốc đánh ông nội gây thương tích 3%...

Để bảo đảm chất lượng các phiên tòa lưu động, TAND hai cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phiên tòa như: lựa chọn các vụ án, địa điểm, thời gian xét xử, công tác bảo đảm an ninh trật tự… Đồng thời, tên vụ án, thời gian, địa điểm xét xử cũng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người dân biết và đến theo dõi phiên tòa. Trong thời gian qua, các phiên tòa lưu động luôn được bảo đảm về an ninh và phát huy được việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Đánh giá hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa lưu động, ông Nguyễn Tấn Đức, Phó chánh tòa Hình sự - TAND tỉnh cho biết, khi đưa các vụ án ra xét xử lưu động, hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích pháp luật ngay tại phiên tòa, góp phần tác động trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức của người dân, nhất là thanh thiếu niên. Từ đó, nhân dân được hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật và biết cách răn dạy con em, thành viên trong gia đình không vi phạm pháp luật, từ đó xây dựng được ý thức và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân. Mặt khác, thông qua phiên tòa, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm…   

Duy Tiến

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ