A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những kỹ năng xử lý tình huống và cách thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn

09:43 | 14/11/2016

Hỏa hoạn có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác.

Khi cháy xảy ra, đám cháy sẽ nhanh chóng lan rộng và tạo ra nhiều khói, khí độc khiến con người khó thở, làm hạn chế tầm nhìn thoát nạn và gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc.

Để mọi người có thể nắm được những kỹ năng xử lý tình huống và cách thoát nạn khi có cháy xảy ra, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh khuyến cáo như sau:

Trước hết, mỗi gia đình, cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh… nên trang bị hệ thống cảnh báo cháy tự động, bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình, cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh (kìm cộng lực, cưa tay, búa, xà beng…). Hướng dẫn cho mọi người biết cách thức sử dụng, vị trí lắp đặt và cách bảo quản các dụng cụ phương tiện này cho phù hợp. Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy (PCCC); tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, bảo quản và sử dụng đúng quy định an toàn về PCCC.

Trong trường hợp có cháy xảy ra, việc đầu tiên là phát tín hiệu cầu cứu, báo động cho mọi người cùng biết như: hô to, bấm chuông báo động (nếu có), gọi điện thoại cho mọi người và gọi cho lực lượng PCCC theo số điện thoại 114. Đối với những đám cháy nhỏ, có thể sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy hoặc dùng chăn chiên để chữa cháy (lưu ý: phải gấp tấm chăn thành nhiều lần sau đó nhúng tấm chăn vào nước, rồi tìm cách phủ tấm chăn kín toàn bộ đám cháy).

Trong trường hợp đám cháy đã lan rộng không tự dập tắt, việc đầu tiên phải làm là tìm cách thoát ra khỏi nơi bị cháy, tuyệt đối không nên dừng lại để mang theo tiền, tài sản hay dụng cụ cá nhân…, nếu đám cháy trong phòng thì đóng cửa phòng ngay lập tức để khói, khí độc không lan ra bên ngoài.

Những chú ý khi thoát nạn:

- Để tránh hít phải khói, khí độc, cần lấy khăn thấm nước, che kín miệng, mũi và thoát ra theo trạng thái bò hoặc cúi khom người để tránh hít phải khói, khí độc và ảnh hưởng đến tầm nhìn quan sát.

- Nếu nhà nhiều tầng và có thang máy thì luôn tìm cách thoát xuống tầng phía dưới và không được dùng thang máy để thoát nạn.

- Nếu bị kẹt trong phòng thì cần đóng kín cửa phòng lại, lấy khăn, vải thấm nước để bịt kín các kẽ hở mà khói có thể vào; sau đó tìm cách thoát qua vị trí khác qua lối cửa sổ hoặc ban công. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể xé rèm, quần áo, chăn… thành sợi dây để thoát xuống bên dưới.

- Khi phải băng qua đám cháy, nên dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh qua, tránh để lửa bén vào trang phục.

- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang, hãy gây chú ý với lực lượng PCCC bằng cách vẫy tay, la hét, dùng khăn hoặc giẻ sáng màu để làm tín hiệu.

- Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

- Đừng quay trở lại khu vực bị cháy cho đến khi lực lượng Cảnh sát PCCC thông báo là đã an toàn.

- Nếu người bị bỏng, hãy sơ cứu trước khi lực lượng cứu thương tới; với loại bỏng thông thường hãy chườm nước lạnh, đừng chườm nước đá cho các loại bỏng hóa chất, điện mà chỉ xả nước lạnh vào vết thương trước khi lực lượng cứu thương đến.

Cháy xuất phát từ quá trình tiếp xúc giữa 3 yếu tố: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt nên việc ngăn ngừa cháy nổ đơn giản nhất là cách ly 1 trong 3 yếu tố trên. Không để nguồn nhiệt tiếp xúc với chất cháy, không hút thuốc, hàn cắt, thờ cúng… nơi có các chất cháy. Tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng, khi ra khỏi nhà phải kiểm tra bếp gas, bình gas, khu vực đun nấu và các nguồn điện. Không sử dụng quá tải cho các loại dây dẫn điện.

Trần Tuấn Thanh

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ