A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phạt nhẹ, hàng giả “sống khỏe”

14:54 | 28/01/2015

Hàng gian, hàng giả không ngừng phủ sóng sâu rộng trên thị trường, song phương hướng ngăn chặn gần như bế tắc. Bởi vì tất cả những vụ việc phát hiện và xử lý quá nhỏ so với thực tế”.

 
Mỹ phẩm là mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất
Ảnh: S. XANH
 
Đó là ý kiến được đưa ra tại cuộc tọa đàm "Hàng gian, hàng giả: Thách thức của sự phát triển bền vững”, tổ chức ngày 27-1.
 
Năm 2014 vừa qua, cả nước có đến trên 16 ngàn vụ hàng gian, hàng giả với số tiền vi phạm gần 200 tỷ đồng. Riêng TP. HCM, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7184 vụ với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên nhìn vào thực tế thấy rõ, tất cả các vụ phát hiện và xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo thống kê của cơ quan chức năng thì có đến 31 mặt hàng đang bị làm giả nhưng  nếu nhìn sâu vào thị trường thì hàng giả không chỉ dừng lại con số trên vì mặt hàng nào cũng có thể gian, giả. 
 
Bà Lâm Thị Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí bức xúc: "Thị trường hiện nay đồ giả nhiều hơn đồ thật. DN chân thật nhưng môi trường kinh doanh lại dối trá”. Theo đó, hàng giả tập trung ở mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tránh thai, điện tử, gas… Một nghịch lý khá trớ trêu đang hiện hữu là, người tiêu dùng đang bỏ tiền thật mua hàng giả khi 80% dược liệu, đông dược từ nước ngoài về đều là hàng giả. Rượu tây có đến 80 - 90% là giả vì không có nước nào bán rượu tây giá rẻ như ở Việt Nam, thậm chí giá còn rẻ hơn cả nước sản xuất ra mặt hàng này. 
 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Đoàn Luật sư TP. HCM cho hay, hàng giả phát triển theo thời gian, cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Đứng đầu về hàng giả là mỹ phẩm vì nhu cầu làm đẹp của chị em rất cao. Hàng gian, hàng giả đang làm lu mờ thương hiệu người kinh doanh chân chính, làm triệt tiêu động lực phát triển của DN, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Tác hại của hàng giả là có thật song bấy lâu nay giải quyết bài toán rối ren này như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ. DN gần như lực bất tòng tâm với vấn nạn nêu trên. Bức xúc về hàng giả, hàng gian bà Lâm Thị Thanh Thủy phân trần: chúng tôi có phát hiện phân bón lá giả nhãn hiệu công ty tại địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang nhưng khi kiến nghị với cơ quan chức năng thì các đơn vị lại lấy lý do vì số lượng hàng giả quá ít, cần theo dõi với số lượng lớn nhằm xử lý tận gốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này công ty vẫn tự bơi trong công tác chống hàng giả vì mọi vụ việc phát hiện đều không được cơ quan chức năng can thiệp. 
 
Nhận định về những bất cập trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng gian, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong việc chống hàng giả. Cụ thể, phạt hành chính thiếu tính răn đe; thủ tục hành chính trong vấn đề khởi kiện lằng nhằng. Hiện nay muốn khởi kiện DN bán hàng kém chất lượng phải mất từ 6  tháng đến 2 năm. "Xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả chỉ dừng lại ở mức phạt là 20 triệu đồng thì không thấm vào đâu, chỉ mang tính chất "gãi ngứa”. Muốn chống hàng gian, hàng giả tốt chỉ còn cách sửa đổi luật sao cho chế tài thật nặng”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh. 
 
Liên quan đến công tác chống hàng giả, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. HCM hiến kế: "Nên có quỹ để thưởng cho những người tiêu dùng phát hiện hàng giả, hàng gian. Bởi vì, trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì người tiêu dùng có 8 quyền, 2 nghĩa vụ (đòi xuất hóa đơn khi mua hàng và phát hiện cùng cơ quan chức năng) nhưng hiện người tiêu dùng chưa dùng đến 2 nghĩa vụ theo quy định của Luật”.
 
 
THANH GIANG

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ