A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Liên kết để không còn cảnh 'giải cứu'

15:08 | 15/03/2023

Những năm qua, tình trạng “được mùa rớt giá”, nông sản phải kêu gọi “giải cứu” không hiếm.

Vì sao lại như vậy? Phải chăng do thiếu thông tin thị trường nên nông dân thường chạy theo trồng những loại nông sản đang có giá cao một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu?

Nha đam là sản phẩm đặc thù của người dân Ninh Thuận và đây cũng là địa phương có diện tích và sản lượng nha đam lớn nhất cả nước. Nhờ sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu ra cho sản phẩm luôn được ổn định và cho giá trị kinh tế cao.

Khi có sự liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, đầu ra cho nông sản sẽ ổn định, không còn cảnh “được mùa mất giá”. Ảnh: Quang Vinh.

Thu hoạch trái ngọt

Nhiều năm qua, nông dân đã liên kết sản xuất cung ứng nguyên liệu cho Công ty GC Food. Nhờ có vùng nguyên liệu ổn định, nhà máy chế biến nha đam của Công ty GC Food luôn chạy hết công suất 35.000 tấn/năm, bán trực tiếp ra thị trường và cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất hóa mỹ phẩm, xuất khẩu tinh chất nha đam đi 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Còn người dân trồng nha đam có nguồn thu ổn định và quan trọng không phải sống trong thấp thỏm vì “được mùa rớt giá”.

Tương tự, nhờ thay đổi phương thức sản xuất, các sản phẩm của HTX Nông sản Chi Lăng, Lạng Sơn đã có đầu ra ổn định trên thị trường. HTX Nông sản Chi Lăng đi vào hoạt động từ năm 2018, với 7 thành viên, cây trồng chủ lực là na. Trước đây, bà con trên địa bàn sản xuất nông sản thường theo hình thức tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, từ 2020, do tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp, quá trình tiêu thụ na gặp khó khăn, việc Trung Quốc dừng thu mua cũng khiến sản lượng tiêu thụ và sức mua bị sụt giảm.

Bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc HTX cho biết, HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, sàn giao dịch điện tử, đưa sản phẩm đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cùng với phát triển thị trường, HTX Nông sản Chi Lăng còn chú trọng đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm "na Chi Lăng" trên các tem, nhãn ở bao bì sản phẩm. Vụ na năm 2021, HTX Nông sản Chi Lăng thu mua và xuất ra thị trường khoảng 120 tấn. Sau hơn 3 năm hoạt động, từ số vốn ban đầu 150 triệu đồng, đến nay, HTX Nông sản Chi Lăng đã nâng con số này lên 10 tỷ đồng.

Nông dân Ninh Thuận làm giàu từ cây nha đam. Ảnh: Quang Vinh.

Tổ chức lại sản xuất

Bên cạnh những cánh đồng tiền tỷ nhờ liên kết sản xuất thì câu chuyện “được mùa rớt giá”, “giải cứu” vẫn là câu chuyện nhức nhối với ngành nông nghiệp. Mới đây, hàng chục nghìn ha cam sành ở tỉnh Vĩnh Long đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá liên tục giảm sâu, thương lái vắng bóng khiến nông dân có nguy cơ thua lỗ nặng.

Trước đó, giá cam sành lên đến mức 35.000 đồng/kg, với mức giá này nông dân tự chuyển đổi từ đất trồng lúa rồi lên liếp, đắp mô để trồng cam sành với mật độ rất dày. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có hơn 17.000ha trồng cam sành, vượt 30% diện tích so với quy hoạch được phê duyệt. Diện tích trồng tăng, sản phẩm dư thừa đã đẩy giá cam xuống mức thấp thê thảm chỉ từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/kg. Điều đáng nói là giá thấp nhưng cũng vắng bóng thương lái, nhiều hộ dân cam chất đầy không có người mua.

Không chỉ cam sành ở Vĩnh Long, thời gian qua nông dân nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã "xé rào" khi tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái khác như: Sầu riêng, xoài keo, mít Thái, thanh long… không tuân thủ quy hoạch. Ngành nông nghiệp đã 2 lần có công văn đề nghị các tỉnh khẩn trương vào cuộc để chấm dứt tình trạng chuyển đổi ồ ạt sản xuất cây trồng. Song bỏ qua sự cảnh báo của ngành chức năng, diện tích trồng sầu riêng vẫn ngày càng gia tăng.

Chuyện "giải cứu" nông sản không phải diễn ra lần đầu ở miền Tây Nam Bộ và chắc chắn cũng không phải là lần cuối. Bởi đầu ra cho nông sản là một vấn đề lớn của nền nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, khi tư duy và quan điểm sản xuất của nhà nông chưa thấm nhuần quy luật thị trường. Ðó là hậu quả của tình trạng mạnh ai nấy làm, thấy ai nuôi con gì, trồng cây gì mà bán được giá thì nông dân trồng theo, nuôi theo, không cần biết nhu cầu thị trường thế nào.

Trao đổi với báo chí, TS Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng bài học sâu sắc rút ra từ nhiều lần ồ ạt giải cứu nông sản Đồng bằng sông Cửu Long đó là vấn đề cung cầu và người nông dân thiếu thông tin thị trường. Do thiếu thông tin thị trường nên nông dân chạy theo trồng những nông sản đang có giá cao. Việc này kéo tình trạng tăng diện tích nông sản và hệ lụy là cung vượt cầu, giá rớt thê thảm.

Để hạn chế sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp, cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể để tạo nền tảng cho người dân, thành viên HTX trực tiếp sản xuất kinh doanh; cần có những dự báo chính xác hơn nữa nhằm cảnh báo cho nông dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khi cung vượt cầu, được mùa, mất giá đó là quy luật kinh tế. Ông cho rằng “câu chuyện được mùa mất giá như một lời nguyền”. Do đó, dư thừa chúng ta cần biết trữ lại và chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

“Để tránh tình trạng cung vượt cầu, người dân không nên trồng quá nhiều, ồ ạt theo phong trào, tránh trồng rồi chặt, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ. Điều quan trọng là cần sự vào cuộc, liên kết mạnh mẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học để hiện thực hóa ước mơ nông sản Việt ngày một vươn xa, nông dân làm giàu trên chính quê hương mình” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Không chỉ cam sành ở Vĩnh Long, thời gian qua nông dân nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã "xé rào" khi tự chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái khác như: xoài Ðài Loan (xoài Ba Màu), xoài keo, mít Thái, thanh long… không tuân thủ quy hoạch. Lo ngại thất bại, ngành nông nghiệp đã 2 lần có công văn đề nghị các tỉnh khẩn trương vào cuộc để chấm dứt tình trạng chuyển đổi ồ ạt sản xuất cây trồng. Song bỏ qua sự cảnh báo của ngành chức năng, diện tích trồng sầu riêng vẫn ngày càng gia tăng.


Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT:

Vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng

Hiện Bộ NNPTNT đã có Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025-2030 để định hướng cho nông dân, doanh nghiệp, địa phương phát triển vùng trồng. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo nông dân trồng trọt theo đúng quy hoạch, định hướng của ngành chức năng.

Đặc biệt, khuyến cáo nông dân về những rủi ro có thể gặp phải nếu trồng trọt “chạy theo phong trào”. Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ.


Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương:

Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Năm 2023, thị trường thế giới được dự báo là diễn biến khó lường; cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, bảo hộ ngày càng tăng... Trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại được tích cực triển khai ngay từ đầu năm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ để tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá. Bộ Công thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và tốc độ của hoạt động trong thời gian tới; đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai sự kiện xúc tiến tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu và kết nối giao thương.

MINH LONG-MINH SANG

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ