A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sốt xuất huyết bùng phát

15:51 | 17/07/2017

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 10/7, cả nước đã ghi nhận gần 50.000 ca sốt xuất huyết, có 14 trường hợp tử vong. Trong đó, khu vực miền Bắc có số mắc tăng 404% (2.163 ca), miền Nam tăng 22,8% (1.939 ca).

Theo các chuyên gia y tế, dịch sốt xuất huyết hiện đang bùng phát và có dấu hiệu lan nhanh ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.

Sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng  cho biết, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội thường xuất hiện vào tháng 8 - 9, đạt đỉnh vào tháng 10 - 11.  

Nhưng năm nay, SXH tại Hà Nội đến sớm hơn 3 tháng, dịch đã bùng phát ngay từ tháng 5 và đang tiếp tục gia tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoảng 4.200 ca mắc và 1 trường hợp tử vong là nữ sinh viên 19 tuổi (sau nhiều năm Hà Nội không có người SXH tử vong). Trung bình mỗi ngày có khoảng 130 ca mắc mới. 

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, là do thời tiết miền Bắc thay đổi thất thường, mùa hè đến sớm, không có rét tháng 3. Người dân tăng trữ nước, tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển, là nguy cơ cho muỗi bùng phát.

Ngoài ra, rất nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho muỗi phát triển.

Tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa, trong tháng 6 vừa qua tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân đến khám và điều trị SXH. Bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện nhiệt đới trung ương, con số này là gần 100 ca/ngày. Trong đó bệnh nhân chủ yếu tập trung tại các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, số ca mắc mới tăng gấp từ 40 đến 70 lần so với tuần trước.

Dù dịch diễn biến phức tạp, song nhiều người dân chưa hiểu hết sự nguy hiểm của căn bệnh này dẫn đến thờ ơ phòng chống bệnh. Qua thống kê, vẫn còn 15% số gia đình đi vắng cả ngày và 5% số hộ không hợp tác với nhân viên y tế dự phòng với lý do nhà có con nhỏ, người ốm, nhà không có muỗi... 

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã đưa vào sử dụng máy phun thuốc diệt muỗi với công suất lớn để làm tăng hiệu quả diệt muỗi trên diện rộng. Đặc biệt, thiết bị này được triển khai từ 12h đêm đến 4h sáng tại các quận nội thành. 

Diễn biến khó lường

Trước tình hình bùng phát dữ dội của dịch SXH, sáng 13/7, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã có cảnh báo lưu ý về những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời với mùa dịch SXH.

Ông Phu cho biết,  dịch đến sớm hơn mọi năm và sẽ khiến diễn biến khó đoán cho dù các chủng gây bệnh không có gì đột biến. Ông Phu nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm nếu chúng ta không làm quyết liệt thì tình hình dịch bệnh sẽ diễn ra phức tạp.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cho hay dù người mắc SXH vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh) nhưng năm nay đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi và Cà Mau là những tỉnh, thành phố có số mắc SXH tăng cao bất thường so với năm trước. 

Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân cho biết, ở khu vực phía Nam, SXH đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam bộ sang các tỉnh thành có kinh tế phát triển nhanh và công nghiệp hóa cao như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuổi của người bệnh mắc SXH cũng thay đổi, trước 2007 bệnh nhân SXH là người lớn chỉ chiếm 20%, nay đã lên 43%.

Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối của hệ thống điều trị SXH như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 của TPHCM... chủ động chỉ đạo tuyến, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, điều trị người bệnh cho phù hợp với tình hình của từng bệnh viện và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới. Các ca tử vong phải được phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tương tự.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương, SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng.

Đáng lo ngại là bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.

Những biểu hiện cần lưu ý

SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại.

Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần. Nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các típ virus còn lại.

Các bác sĩ nhận định, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.

Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Cấp lý giải nguyên nhân là do bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cơ thể dễ bị chảy máu.

Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu...

Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Do vậy, tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị SXH. Người dân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Các chuyên gia y tế huyến cáo người dân cần lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đau bụng, nôn ói... Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 kể từ khi mắc.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện chiến dịch người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết; Thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay rửa bình hoa…

Hàng tuần người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảng chai, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Hà Phương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ