A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dịch sởi bùng phát tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm

09:11 | 22/02/2019

Hiện cả nước đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bệnh sởi không chỉ bùng phát và lây lan nhanh trên diện rộng mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. 

Lây lan cao, nhiều biến chứng

Những ngày gần đây, bệnh sởi bùng phát và lây lan nhanh trên diện rộng khiến số ca nhập viện vì bệnh sởi không ngừng tăng cao. Báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 11 đến 17/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.

Ông Đặng Quang Tấn- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: “Số mắc sởi hiện đã ghi nhận tại 43 tỉnh, thành phố và vẫn đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nên nguy cơ cao lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, đặc biệt khi thời tiết mùa đông xuân thuận lợi cho vi rút sởi lây truyền, người dân di chuyển biến động sau dịp tết tăng cao”.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não..., thậm chí dẫn đến tử vong. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non. 

Khi nhắc đến bệnh sởi là nhiều người nghĩ rằng sởi chỉ chủ yếu lây nhiễm ở trẻ nhỏ vì sức đề kháng của trẻ còn yếu chứ ở người lớn thì bệnh sởi ít có nguy cơ lây lan và người lớn thì không dễ mắc sởi. Tuy nhiên, không chỉ trẻ em, tại các bệnh viện, nhiều bệnh nhân là người lớn cũng mắc sởi. Trong đó, có nhiều ca nặng trên cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai hoặc các bệnh mạn tính. Đặc biệt, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp 1 bệnh nhân nhập viện vì viêm màng não do biến chứng của sởi.  Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường- Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay. 

Ngoài biến chứng viêm não, các bác sĩ cảnh báo bệnh nhân mắc sởi còn có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù loà...Với trẻ em, biến chứng viêm phổi gặp phổ biến nhất và rất nguy hiểm.

Chủ động phòng bệnh

Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu.

Theo ông Hạnh, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%. Sở Y tế Hà Nội cảnh báo thời tiết bắt đầu mưa ẩm, thuận lợi để phát sinh và phát triển các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm. Vì vậy, theo dự báo, số ca mắc sởi có thể gia tăng trong thời gian tới.

Để phòng chống bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh; chủ động đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại xã, phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2. Tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella trong chiến dịch (tháng 12/2018 và tháng 1/2019), cần được tiêm vét ngay càng sớm càng tốt. Đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.     

Xuân Thuỷ

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ