A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thêm nguồn vaccine ngừa Covid-19

16:12 | 17/03/2021

GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu.

Vì vậy Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vaccine như kế hoạch. Số lượng còn lại, dự kiến từ nay đến cuối tháng 3 sẽ tiêm hoàn tất.

1 trong 6 tình nguyện viên tiêm vaccine Covivac đầu tiên, ngày 15/3.

Vaccine ngoại thứ hai đã có mặt tại Việt Nam

Sáng 16/3, Liên bang Nga đã gửi tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik V đầu tiên, hiện đã được nhập kho và bảo quản lạnh. Đây là những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam.

Lô vaccine Sputnik V nói trên là quà tặng của Liên bang Nga được ông Nikolai Patrushev - Thư ký Hội đồng An ninh LB Nga mang tới Việt Nam vào sáng ngày 16/3, trong chuyến công tác hai ngày tại Hà Nội.

Ông Đặng Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nhận lô vaccine này từ sân bay nội bài, vaccine đã được chuyển vào kho lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để bảo quản.

Sputnik V là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ ngày 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vaccine Sputnik V khi vaccine này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Tuy nhiên đến nay vaccine Sputnik V được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet , vaccine Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Như vậy, đây là loại vaccine phòng Covid-19 ngoại thứ 2 có mặt tại nước ta. Trước đó, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, Việt Nam đã chắc chắn có 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ Chương trình cung ứng vaccine toàn cầu COVAX, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các hãng dược Pfizer, Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga)… để có thêm vaccine.

Phản ứng thông thường sau tiêm

Đối với vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca, ngày 16/3, Bộ Y tế thông tin, sau 1 tuần triển khai tiêm chủng loại vaccine này, tổng cộng hơn 15.000 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đây là những cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, theo thống kê từ Chương trình tiêm chủng mở rộng, đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… tương tự như thông báo của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca.

GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ: Sau tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ có 1 tỉ lệ nhất định những người gặp phải phản ứng sau tiêm. Hiện chúng ta đang tiêm vaccine phòng Covid-19 của Astrazeneca. WHO cũng đã khuyến cáo chúng ta nên cân nhắc lợi ích của vaccine và nguy cơ của dịch bệnh. Từ đó có biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho người dân. Theo ghi nhân, có khoảng 26% người tiêm gặp các phản ứng thông thường và và 0,7% phản ứng nặng. Qua theo dõi các nước khác trên thế giới, có nhiều loại vaccine khác nhau nhưng nhìn chung các vaccine đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như WHO và các tổ chức có liên quan đến đảm bảo an toàn sau khi tiêm vaccine.

Vẫn theo GS Đặng Đức Anh, “thường khi xuất hiện các phản ứng nặng sau tiêm, chúng tôi sẽ tiến hành theo dõi và đánh giá. Vừa rồi Bộ Y tế cùng các địa phương đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ở cơ sở y tế. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị thành lập các hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân và tất cả các địa phương đã xuất hiện các trường hợp như vậy đều đã thực hiện. Riêng trường hợp bị sốc phản vệ độ III, trước khi tiêm chúng tôi đã thăm khám nhưng chưa có thông tin cụ thể về bệnh lý nền. Vì thế, chúng tôi yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi đánh giá. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm vaccine vẫn tiếp tục được thực hiện để phòng bệnh cho toàn dân”.

Tiến tới tự chủ vaccine

Song song cùng vaccine nhập ngoại, là sự tăng tốc nghiên cứu và sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 made in Vietnam. Như đã thông tin trước đó, vaccine Covivac do Ivac (Viện Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế) đã chính thức bước vào giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người với 6 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm.

GS Đặng Đức Anh cho hay: Đến thời điểm hiện tại, 3 liều vaccine đã được đưa vào thử nghiệm là liều 2 mcg, 3mcg và 10 mcg, chúng tôi đánh giá những số liệu không chỉ ở Việt Nam, Hoa Kỳ và cả Ấn Độ, kết quả tiền lầm sàng cho thấy đáp ứng hệ miễn dịch khá tốt. Sau khi trình Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đã cho phép thử nghiệm lâm sàng cho vaccine Covivac.

Đáng chú ý, chiều 16/3, PGS Vũ Đình Thiểm - Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thông báo, cả 6 tình nguyện viên được tiêm mũi đầu tiên vaccine Covivac đã qua 24 giờ ở lại theo dõi sức khỏe. Tại nhà, họ sẽ tự theo dõi sức khỏe.

“Tất cả tình nguyện viên đã được đánh giá các biến cố bất lợi trong 24 giờ đầu. Chúng tôi chưa ghi nhận các biến cố bất lợi vừa hoặc nặng. Nhìn chung, không có vấn đề gì đáng lo ngại về an toàn trong 24 giờ đầu sau tiêm ở 6 người đầu tiên” - PGS Vũ Đình Thiểm chia sẻ.

Covivac là vaccine Covid-19 thứ 2 của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Mục tiêu giai đoạn này là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vaccine để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất. Sau đó, vaccine được chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2.

Trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai vaccine Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An). Quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax được bắt đầu từ tháng 12/2020, trải qua 3 đợt tiêm thử nghiệm trên người, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2021.

Theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia: Trong tuần này sẽ có thêm 3 địa phương mở điểm tiêm ngừa vaccine Covid-19, là Quảng Ninh, Điện Biên và Đồng Tháp. Như vậy số địa phương tiêm chủng ngừa Covid-19 sẽ là 15. Đến cuối tháng 3 sẽ tiêm hết lô vaccine về đợt đầu (117.600 liều). Đến tháng 4, Việt Nam sẽ nhận thêm 4,1 triệu liều vaccine AstraZeneca từ chương trình COVAX và từ nguồn đặt mua, khi đó sẽ triển khai tiêm tiếp cho các đối tượng ưu tiên tiếp theo, đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.

ĐỨC TRÂN

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/them-nguon-vaccine-ngua-covid-19-556361.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ