A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ebola “gõ cửa”

15:04 | 17/10/2014

Tây Phi, nước Mỹ, Tây Ban Nha của châu Âu..., và còn nơi nào nữa đã bị virus Ebola tấn công nhưng chưa phát hiện ra?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nêu không khống chế được, Ebola sẽ là đại dịch khủng khiếp bậc nhất mà nhân loại phải hứng chịu. Cho tới nay, tất cả các quốc gia đều đã lên kế hoạch phòng chống virus Ebola, vì thực tế nó có thể "gõ cửa” bất cứ lúc nào. Việt Nam cũng không loại trừ.
 
 
Nếu không được khống chế, Ebola sẽ là đại dịch khủng khiếp nhất 
Ảnh: tư liệu
 
Thế giới hoang mang 
 
Ca lây nhiễm virus ebola thứ hai mới công bố đã khiến nước Mỹ bàng hoàng. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16-10 đã phải hoãn chuyến công du địa phương, đồng thời kêu gọi lãnh đạo nhiều nước cùng chung tay chống lại sự lan tràn của virus ebola, sau khi ca lây nhiễm thứ hai loại virus chết người này được xác nhận trên nước Mỹ.
 
Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch Mỹ (CDC), nữ y tá được xác nhận trường hợp lây nhiễm thứ hai là Amber Vinson, 29 tuổi, đã lên chuyến bay từ Cleveland đến Dallas hôm đầu tuần, chỉ một ngày trước khi cô được chẩn đoán dương tính với virus ebola.
 
Bệnh nhân Vinson cho biết, cô đã bị sốt trên 37,5 độ C trước khi lên chuyến bay nói trên. Theo CDC, với tình trạng như thế, lẽ ra nữ y tá trên không được tham gia chuyến bay. Ban đầu, CDC đã yêu cầu tất cả 130 hành khách có mặt trên chuyến bay gọi cho họ theo đường dây nóng trong trường hợp bị sốt hoặc cơ thể có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, theo Trung tâm này, khả năng các hành khách khác bị lây nhiễm từ Vinson là rất thấp bởi nữ y tá không hề nôn mửa hoặc bị chảy máu khi trên chuyến bay.
 
Nữ y tá này đã ngay lập tức được cách ly sau khi thông báo bị sốt hôm 14-10. Trước đó, Vinson từng tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola người Liberia tên Thomas Eric Duncan. Ông Thomas đã chết vào ngày 8-10.
 
Hiện Vinson đã được chuyển đến bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta bằng máy bay chuyên dụng và sẽ được điều trị đặc biệt trong phòng cách ly. Trường hợp lây nhiễm trước đó là một nữ y tá gốc Việt Nina Phạm, hiện đang được điều trị cách li.
 
Tại thời điểm này, người dân Mỹ đang trong tình trạng hết sức hoang mang do lo ngại dịch bệnh sẽ lan rộng. Nhiều tờ báo nổi tiếng ở nước này đã công bố kết quả khảo sát, cho thấy khoảng 2/3 số người tham gia tỏ ra sợ hãi về sự lây lan của bệnh dịch. Những người này cũng ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư từ các nước Tây Phi. Nhiều người Mỹ, bao gồm một số Thượng nghị sĩ cho rằng cách đơn giản nhất để cách ly nước Mỹ khỏi virus Ebola là cấm các chuyến bay đến từ khu vực Tây Phi.
 
Ngày 16 -10, trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn dịch bệnh ebola. "Chúng ta phải đề cao tầm quan trọng nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Nếu không phản ứng theo hướng hữu hiệu nhất, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều vấn đề”, ông Obama nhấn mạnh. Cụ thể,Tổng thống Mỹ đã hối thúc Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đưa ra kế hoạch chung ngăn dịch bệnh.
 
Ở châu Âu, kể từ khi Tây Ban Nha cho biết phát hiện một người nhiễm virus ebola, thì cả Liên minh châu Âu (EU) được khuyến cáo phải cảnh giác. Một cuộc họp giữa Bộ trưởng Y tế các nước thành viên EU đã được tổ chức vào ngày hôm qua, 16-10, để bàn về vấn đề này. Giới lãnh đạo Mỹ Latin và các nước ở khu vực biển Caribe cũng chuẩn bị kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Havana vào đầu tuần tới, chỉ với mục tiêu duy nhất: ứng phó với sự lây lan của virus Ebola.
 
Trong khi đó, thông tin từ WHO đưa ra lại càng khiến người ta hoang mang: số ca nhiễm Ebola ở Tây Phi sẽ vượt trên 9.000 người trong tuần này và dịch bệnh Ebola tiếp tục lây lan rộng khắp ở các quốc gia Guinea, Sierra Leone và Liberia và Congo. Theo ước tính của WHO, thế giới sẽ có thêm từ 5.000-10.000 ca nhiễm Ebola mới mỗi tuần, tính từ nay đến cuối năm.
 
 
Nhân viên WHO tham gia chống dịch ebola ở Guinea
 
Việt Nam cảnh giác
 
Từ khi bệnh dịch do virus ebola bùng phát, ngành y tế Việt Nam đã lập tức lên phương án đề phòng sự xâm nhập. 
 
Ngày 12-10, trước thông tin Việt Nam đã có trường hợp mắc bệnh Ebola đang điều trị tại BV Bạch Mai (Hà Nội), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: "Đây là thông tin không chính xác. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào và tại các nước châu Á chưa có trường hợp nào được xác định đã nhiễm bệnh này”. Cũng trong ngày 12-10, ông Masaya Kato, đại diện WHO đưa ra nhận định, nguy cơ lây nhiễm virus ebola vào Việt Nam rất thấp. Theo ông M. Kato, tuy thế thì Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam cũng cần có kế hoạch hành động phòng chống dịch này, vì rằng WHO đánh giá đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 40 năm qua bởi dịch lan truyền nhanh và với tỷ lệ tử vong cao.
 
Ngày 16-10, BBC đưa tin, giới chức Y tế Việt Nam đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ebola thâm nhập. BBC đề cập tới Công văn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long ký hôm thứ Tư (15-10) yêu cầu các tỉnh/thành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Còn trước đó, chiều thứ Hai ngày 13-10, Trung tâm ứng phó khẩn cấp với dịch ebola của Việt Nam (EOC) đã có cuộc họp khẩn để bàn cách đối phó với tình hình mới về ebola với sự tham gia của đại diện WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO). Điều đó cho thấy Việt Nam rất chủ động trong việc phòng chống đại dịch- BBC nhận xét.
 
Thông tin mới nhất được được ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sau khi có công văn gửi các tỉnh/thành trong cả nước, Bộ Y tế đã tiếp tục đôn đốc các tỉnh/thành thực hiện nghiêm túc việc giám sát người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh. Theo đó, những người nhập cảnh tại các quốc gia này cần phải được theo dõi tình hình sức khỏe trong vòng 21 ngày. Bộ Y tế cũng đã lên kế hoạch kiện toàn đội ngũ chống dịch, đội cứu trợ cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết; Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, khu vực cách ly để có thể triển khai ngay các biện pháp phòng dịch khi phát hiện các ca đầu tiên.
 
Như vậy, trước khi Ebola "gõ cửa”, các kịch bản phòng chống đã được cân nhắc kĩ càng. Cảnh giác nhưng không hoang mang- đó là thái độ đúng đắn nhất trong tình thế hiện nay.
 
23 lao động Việt Nam nằm trong vùng dịch bệnh ebola
 
Chiều 16-10, trả lời báo chí, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: 
 
Ngay từ khi có thông tin cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới cũng như Bộ Y tế Việt Nam về sự lây lan của dịch bệnh Ebola thì Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước tiến hành rà soát tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở những nước thuộc Châu phi, nhất là ở những nước trong vùng dịch. Cục đã yêu cầu doanh nghiệp rà soát kỹ tình hình lao động Việt Nam đang làm việc ở những quốc gia trong vùng dịch bệnh Ebola, yêu cầu các doanh nghiệp phải thông tin, tuyên truyền cho người lao động phòng ngừa. Còn trong trường hợp nếu như người lao động vì lo sự dịch bệnh, yêu cầu phải về nước thì đó là nguyện vọng cá nhân, có thể liên hệ với người sử dụng lao động, cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài, đặc biệt là đối với những nước có Ban quản lý lao động Việt Nam để đề xuất kiến nghị của mình.
 
Hiện chúng ta có 23 lao động Việt Nam làm việc tại Cộng hòa Conggo - một nước vừa được Tổ chức Y tế thế giới bổ sung vào vùng dịch. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo doanh nghiệpphải liên hệ ngay với người lao động cũng như người sử dụng lao động để nắm tình hình và có những khuyến cáo cụ thể đối với người lao động. Trong trường hợp mà người lao động có nhu cầu về nước thì phải tổ chức cho lao động về nước. Ngoài ra, Cục cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình dịch bệnh; cập nhật đầy đủ tình hình lao động do doanh nghiệp mình đưa đi, báo cáo kịp thời về Bộ LĐTBXH cũng như Cục Quản lý lao động ngoài nước. Về phần Cục, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền với người lao động về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống để người lao động yên tâm tiếp tục làm việc ở nước ngoài”, ông Nam cho biết.
 
BẢO VÂN - KHÁNH DUY

    nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ