A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chủ động vaccine

10:44 | 27/10/2022

Trong y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, chặn dịch từ sớm, từ xa thì vai trò của vaccine là vô cùng quan trọng.

Chiến lược của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine, sản xuất tối thiểu được 3 loại vaccine, trong đó có vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh do Hib và 1 trong 2 bệnh bại liệt, viêm gan B. Đến năm 2030 làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine, sản xuất tối thiểu 5 loại vaccine đạt tiêu chuẩn tương đương với quốc tế.

Y học thế giới đã xác định tầm quan trọng của vaccine với những thông điệp rất rõ ràng: Vaccine để cứu sống con người ở mọi lứa tuổi; Vaccine bảo vệ con em chúng ta và bảo vệ chúng ta; Vaccine nghĩa là cuộc sống; Vaccine là lá chắn bảo vệ nhân loại; Vaccine là để phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở...

Trong đại dịch Covid-19, thực sự đã có một “cuộc chiến vaccine” trên phạm vi toàn cầu. Với những tiến bộ của khoa học công nghệ, khoa học y học, tốc độ điều chế vaccine đã nhanh hơn trước tới 10 lần: 10 tháng thay vì 10 năm. Tuy nhiên, việc cung cấp vacine lại không bình đẳng giữa các nước giàu với nước nghèo, vì thế cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine Covid-19 là cuộc đua không cân sức, mà phần thiệt thòi rơi vào các nước nghèo.

Đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước Việt Nam tìm kiếm nhiều nguồn cung vaccine, nhiều loại vaccine đưa về tiêm chủng cho người dân. Tới ngày 23/10, thống kê của Bộ Y tế cho biết, cả nước đã tiêm 261 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Đại dịch đã đi qua nhưng chúng ta không thể nào quên những ngày tháng vô cùng gian nan, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19 trong năm 2021. Nhiều tháng ròng cả nước phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để truy vết, xét nghiệm, phong tỏa, ngăn chặn và dập dịch. Chiến dịch vaccine thần tốc được áp dụng và chính điều đó đã giúp đất nước giảm bớt tổn thất khi đi qua đại dịch và Việt Nam đã trở thành nhóm quốc gia đứng đầu về tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19.

Qua đại dịch Covid-19, càng thấy phải chủ động nguồn vaccine, đặc biệt là việc phải đẩy mạnh nghiên cứu, điều chế, sản xuất vaccine trong nước. Không chỉ một loại vaccine đối phó với một loại dịch bệnh mà phải là nhiều loại vaccine để ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh do virus gây ra, khống chế không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng và hạn chế tối đa số người nhiễm, số người phải điều trị cũng như bệnh nhân nặng và số ca tử vong.

Ngay từ năm 1960, Việt Nam đã sản xuất được loại vaccine đầu tiên, đó là vaccine phòng bại liệt. Tiếp đó, chúng ta đã tự điều chế nhiều loại vaccine khác như: Vaccine viêm gan B từ huyết tương người, vaccine viêm não Nhật Bản (trong những năm 1980-1990); vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván (trong những năm 1980). Đến năm 1997, chúng ta bắt đầu đưa vaccine tự sản xuất vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cho đến nay, nước ta đã tự sản xuất được 10 loại vaccine, cung cấp đủ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (khởi động từ năm 1981): Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt uống, sởi, thương hàn, viêm gan B, lao, viêm não Nhật Bản, tả. Đáng chú ý, giá thành của những loại vaccine này chỉ bằng 1/3 so với giá nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là vừa tiết kiệm ngân sách, vừa chủ động bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, sản xuất vaccine trong nước vẫn luôn là thách thức rất lớn, nhất là với những dịch bệnh mới xuất hiện, virus có độc lực cao, lây lan nhanh, mạnh. Bên cạnh đó, chủ động nguồn vaccine dự phòng là rất quan trọng. Thời gian gần đây, việc thiếu vaccine tại không ít cơ sở y tế càng cho thấy điều đó.

Ngày 23/10 mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có Tờ trình gửi UBND thành phô về việc cung ứng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, thành phố đang đối mặt với nguy cơ thiếu các loại vaccine sởi, DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm não Nhật Bản, lao (BCG), sởi-rubella (MR) và DPT- VGB-Hib (vaccine phối hợp 5 trong 1), bại liệt.

Cụ thể, từ đầu tháng 10, TPHCM đã hết vaccine phòng sởi - rubella (MR), trung bình mỗi tháng, thành phố cần khoảng 6.700 liều vaccine này. Tương tự, vaccine phòng viêm não Nhật Bản (Jevax) mỗi tháng sử dụng 6.340 liều thì thành phố đã thiếu vaccine này từ giữa tháng 10. Vaccine dạng uống phòng bại liệt (bOPV) cũng đã hết từ giữa tháng 10/2022.

Đáng tiếc là tình trạng đó không chỉ ở TPHCM mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Với chiến lược sản xuất vaccine trong nước đến năm 2030, hy vọng Việt Nam sẽ sớm khắc phục được bất cập ấy, sẽ chủ động trong việc phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa. “Bài học vaccine” trong đại dịch Covid-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu điều chế, sản xuất và tiêm chủng vaccine. Đó cũng là cách hữu hiệu nhất để chúng ta có được “lá chắn sức khỏe” cho mọi người dân Việt Nam

MINH THỦY

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/chu-dong-vaccine-5700434.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ