A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phong trào tập luyện cầu lông: Còn chờ những...đỉnh cao!

14:06 | 16/09/2013

Những năm gần đây, phong trào luyện tập các môn thể thao nói chung, cầu lông nói riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tuy nhiên, môn thể thao truyền thống này cũng chỉ mới dừng lại dưới dạng phong trào, chưa có cá nhân tiêu biểu tham gia cạnh tranh thành tích cao trong toàn quốc…

Môn cầu lông đang thu hút sự quan tâm của người dân.

Cầu lông là môn thể thao dễ chơi, lại phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, chơi cầu lông chủ yếu để rèn luyện sức khỏe, rảnh lúc nào chơi lúc đấy. Vì vậy, tại một số địa phương trong tỉnh, phong trào tập luyện phát triển mạnh mẽ, thu hút mọi lứa tuổi tham gia. Các sân tập, câu lạc bộ (CLB) cầu lông được hình thành để tập hợp những người đam mê cùng nhau tập luyện nhằm duy trì phong trào và xây dựng đội tuyển cầu lông để cạnh tranh tại các giải đấu. Tại TP. Buôn Ma Thuột, vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, sẽ dễ dàng nhận thấy phong trào tập luyện rất sôi nổi thu hút nhiều đối tượng tham gia. Anh Nguyễn Chiêu Dương, Giám đốc Trung tâm TDTT TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Các sân cầu lông tại trung tâm mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt người đến tập luyện cả 2 buổi sáng lẫn chiều. Để đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, trung tâm thường mở cửa từ 4 giờ sáng đến 21 giờ hằng ngày. Không chỉ riêng TP. Buôn Ma Thuột, mà hầu hết các xã, phường, thị trấn và một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều có người tham gia tập luyện cầu lông. Ở nhiều địa phương khi các trung tâm văn hóa không thể đáp ứng được nhu cầu thì người dân tự góp tiền của, công sức để xây dựng sân tập. Bên cạnh đó, phong trào chơi cầu lông trong học sinh, sinh viên cũng được một số trường quan tâm thu hút đông đảo giới trẻ tập luyện.

Hằng năm, các địa phương, đơn vị đều tổ chức các giải thi đấu cầu lông nhằm thúc đẩy phong trào phát triển ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, Dù mang tính chất phong trào nhưng chất lượng thi đấu ngày càng nâng cao vì các vận động viên (VĐV) đều được lựa chọn từ các đơn vị, CLB mạnh trong toàn tỉnh. Chẳng hạn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn Cầu lông tỉnh vừa tổ chức Giải Cầu lông các câu lạc bộ - tranh Cup Li Ning tỉnh Dak Lak năm 2013 (diễn ra từ ngày 6 đến 9-9 tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh). Giải đấu đã để lại ấn tượng đẹp đối với giới chuyên môn và người hâm mộ khi chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đơn vị cũng như các VĐV tham gia. Giải có sự tham gia của 271 VĐV đến từ 12 CLB cầu lông trên địa bàn tỉnh, tranh tài 19 bộ Huy chương của 5 lứa tuổi. Trong những ngày giải diễn ra, chứng kiến các VĐV thi đấu có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch về trình độ giữa các đoàn không nhiều. Các VĐV trẻ đã bộc lộ khả năng, kỹ, chiến thuật phong phú, như ở các nội dung thi đấu của lứa tuổi dưới 30 đều khá  nhanh nhẹn, dẻo dai, kỹ thuật tốt, chiến thuật hợp lý, tâm lý thi đấu vững vàng… Qua đó, nhiều CLB đã chứng minh được sự phát triển vượt bậc của môn cầu lông như  CLB Tiền Phong, CLB TP. Buôn Ma Thuột, CLB Mai Phương, CLB Đại học Tây Nguyên... Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới mang tính phong trào, bởi tại các giải cầu lông cấp quốc gia nhiều năm qua, các VĐV của Dak Lak chưa thể ghi tên mình vào bảng thành tích thứ hạng cao. Đặc biệt, khi cầu lông đã được ngành chức năng tỉnh xếp vào các môn thi đấu trong các giải vô địch tỉnh hàng năm, nhưng cầu lông thành tích cao lại chưa thực sự phát huy thế mạnh hiện có. Nguyên nhân là do công tác phát hiện tài năng còn hạn chế, các VĐV tham gia thi đấu chỉ mang tính học hỏi là chính. Cơ sở vật chất dành cho tập luyện, dụng cụ thi đấu còn thiếu, những VĐV có tố chất không được thường xuyên thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ. Trên thực tế, tỉnh ta không thiếu VĐV cầu lông tài năng; Trường Năng khiếu TDTT hằng năm vẫn có kế hoạch đào tạo các VĐV năng khiếu…, vì thế việc không tham gia thi đấu cầu lông thành tích cao của thể thao tỉnh nhà sẽ rất lãng phí khi nền tảng cầu lông phong trào phát triển mạnh.

Anh Võ Đình Đoài, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Phong trào tập luyện cầu lông đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sân tập cầu lông ngoài trời, trên 100 nhà tập cầu lông, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ luyện tập, tạo điều kiện cho cầu lông phát triển sâu rộng, thu hút nhiều đối tượng tham gia như công nhân viên chức, người lao động, phụ nữ, người cao tuổi… Đặc biệt, với thanh, thiếu niên, phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông luôn có sự quan tâm thường xuyên của ngành chức năng. Một tín hiệu vui khác là hiện nay môn cầu lông đang được các ngành, địa phương duy trì thường xuyên hoạt động thi đấu vào các ngày lễ, dịp kỷ niệm ngành, ngày hội văn hóa - thể thao của địa phương, thu hút đông đảo VĐV và người dân tham gia. Tuy nhiên, để môn cầu lông phát triển sâu rộng hơn nữa thì cần chú trọng phát triển về cơ sở vật chất, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Cần có kế hoạch đào tạo VĐV ở cả 2 tuyến nghiệp dư và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Liên đoàn Cầu lông tỉnh cần tích cực phối hợp với các ngành, địa phương khuyến khích phát triển phong trào, tích cực đào tạo VĐV năng khiếu, tổ chức nhiều giải thi đấu trong và ngoài tỉnh nhằm tạo cơ hội cho VĐV được thường xuyên cọ xát, học hỏi, nắm bắt được kỹ năng, chiến thuật từ các đội bạn, để kịp thời bổ sung cho những gì còn thiếu của phong trào cầu lông tỉnh nhà.

Hy vọng, với các biện pháp đồng bộ, trong tương lai không xa môn thể thao cầu lông thành tích cao của tỉnh sẽ có được vị thế xứng đáng trong nước và trên trường quốc tế…

Thế Hùng

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ