A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32: Đầu tư đúng và đủ

08:08 | 19/05/2023

LTS: SEA Games 32 đã khép lại và cũng là kỳ đại hội thành công của thể thao Việt Nam. Ngay từ bây giờ cần phải nhìn lại những kết quả thành - bại tại đại hội, qua đó sớm có những điều chỉnh để đưa thể thao Việt Nam vươn tầm châu lục và thế giới.

SEA Games 32 là kỳ đại hội đầu tiên mà thể thao Việt Nam giành ngôi số 1 toàn đoàn dù không phải là nước chủ nhà

Màn trình diễn ấn tượng của bóng đá nữ và nhóm môn cơ bản Olympic đã đem về tổng cộng 69 HCV, chiếm 51% số huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32.

Các môn Olympic

Chỉ mang đến SEA Games 32 lực lượng đông vào hàng thứ tư, sau chủ nhà Campuchia, Thái Lan và Philippines, thế nhưng đoàn TTVN xuất sắc đứng đầu bảng tổng sắp huy chương đại hội với 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ.

Một số lượng không nhỏ HCV đến từ những môn thuộc hệ thống Asian Games và SEA Games như lặn, aerobic, Vovinam, wushu, kun Bokator... TTVN cũng tự hào với các HCV đến từ những môn cơ bản Olympic. Ngoại trừ điền kinh không thể giữ được ngôi vị số một trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, các môn bóng rổ 3x3, judo, vật, karate, thể dục dụng cụ, bóng đá nữ cùng giữ vị trí số 1; còn bơi, cử tạ hay bóng chuyền đều nằm trong 3 hạng đầu đại hội.

Thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 32: Đầu tư đúng và đủ - Ảnh 1.

Nội dung bóng rổ 3x3 giúp Việt Nam lần đầu có HCV bóng rổ tại SEA Games .Ảnh: NGỌC LINH

Thống kê cho thấy, khoảng 2 VĐV Việt Nam tham gia thi đấu tại đại hội lần này thì có một người giành huy chương (704 VĐV và 359 huy chương các loại), tỉ lệ tương đương thành tích của SEA Games 31. Việc giành đến 136 HCV được coi là hoàn thành vượt mức kế hoạch, khi mức phấn đấu trước giờ xuất trận là từ 89-120 HCV. Theo các nhà chuyên môn, việc vượt rất xa chỉ tiêu chủ yếu là do năng lực VĐV, không phải do sai số trong công tác dự báo.

Có được thành tích ấn tượng vừa kể trên là đến từ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài và bài bản với bước đà từ SEA Games 31. Nhóm các môn Olympic đã được đầu tư trọng điểm, đi tập huấn nước ngoài. Nhóm các môn SEA Games và Asian Games cũng có sự chuẩn bị kỹ càng, chuyển hướng linh hoạt với tình hình thực tiễn.

Bài học kinh nghiệm

Các đối thủ mạnh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia không giấu tham vọng thành công và đều có sự chuẩn bị tốt cho Đại hội, nhất là trào lưu nhập tịch VĐV. Thế nhưng, bằng sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện cùng nỗ lực và ý chí phi thường, các VĐV, HLV đoàn TTVN đã ghi dấu ấn đáng tự hào tại SEA Games này.

Đoàn TTVN tại SEA Games đã giành tổng cộng 59 HCV ở 17 bộ môn sẽ có mặt tại Olympic Paris 2024, chiếm 51% thành tích "vàng" của cả đoàn, cho thấy chúng ta đã và đang đi đúng hướng trên hành trình phát triển. Cử hơn 700 VĐV tranh tài ở 30/36 môn, đoàn TTVN có 14 lượt phá kỷ lục ở các môn bơi, lặn và cử tạ, khẳng định phần nào sức mạnh đã được duy trì từ sau SEA Games 31.

Cùng với việc phải dành nhiều lời khen cho đội tuyển bóng đá nữ với lần thứ tư liên tiếp lên ngôi vô địch, Nguyễn Thị Oanh giành 4 HCV cá nhân môn điền kinh, Nguyễn Thị Huyền giành đến tấm HCV thứ 13 qua 4 kỳ đại hội, bộ đôi tay vợt trẻ Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc giành HCV bóng bàn nội dung đôi nam nữ sau 26 năm hay VĐV 15 tuổi Lê Khánh Hưng mang về tấm HCV SEA Games đầu tiên của môn golf, không thể không nói đến vết gợn buồn khi nhảy cầu, bóng chuyền chẳng thể giành tấm HCV.

Bóng đá nam và tennis không thể bảo vệ ngôi vô địch giành được suốt hai kỳ SEA Games 30 và 31 cũng để lại bài học kinh nghiệm hết sức đắt giá, bởi lên đỉnh vinh quang đã khó, giữ được ngôi đầu càng là trọng trách khó khăn hơn gấp trăm ngàn lần. 

(còn tiếp)

ĐÀO TÙNG

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-nhin-tu-sea-games-32-dau-tu-dung-va-du-20230518215514205.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ