A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đã đến lúc nhập tịch ngoại binh?

08:54 | 31/07/2023

Nhập tịch cầu thủ ngoại cho các đội tuyển quốc gia là vấn đề đã được nhắc đến từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do đặc thù nền thể thao Việt Nam chưa thực hiện được điều đó.

Chiến thắng của đội tuyển nữ Philippines tại Vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023 đang truyền cảm hứng cho Đông Nam Á và vấn đề nhập tịch lại được dư luận đề cập.

1. Tại SEA Games 32, lần đầu tiên đội tuyển bóng rổ Việt Nam tạo nên lịch sử khi giành tấm Huy chương Vàng (HCV) ở nội dung 3 đấu 3 nữ, và cũng là tấm HCV đầu tiên của bóng rổ nước nhà. Chắc chắn, kỳ tích đó sẽ không thể xảy ra nếu trong đội hình ba người không có hai cầu thủ Việt kiều là chị em ruột Trương Thảo My và Trương Thảo Vy. Sinh ra tại Mỹ nhưng bố mẹ là người Việt Nam, chị em My và Vy đã tập bóng rổ từ nhỏ, trưởng thành và phát triển rất nhanh ở môi trường bóng rổ học đường Mỹ. Nhận lời mời gọi của lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam, Thảo My và Thảo Vy đã về nước tham gia vào đội tuyển bóng rổ. Sau SEA Games, hai cô trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với rất đông người hâm mộ Việt Nam theo dõi, tương tác.

Trong khu vực Đông Nam Á, rất nhiều nước đã mở cửa đón vận động viên nước ngoài về thi đấu, kể cả cầu thủ ngoại kiều, miễn sao tài năng phải nổi bật, có khả năng đưa các đội tuyển quốc gia đạt thành tích vượt giới hạn.

Trong số 23 cầu thủ nữ của đội tuyển bóng đá nữ Philippines, có đến 22 cầu thủ nhập tịch. Họ đã có chiến thắng vang dội tại World Cup 2023 bằng một dàn cầu thủ có nền tảng thể lực, chiều cao ngang ngửa các đội tuyển châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu đội tuyển nữ Việt Nam, và cả các đội tuyển nam có nhiều ngoại binh trong đội hình? Chắc chắn một điều, nếu đó là các cầu thủ xuất sắc, cơ hội giúp chúng ta đạt thành tích cao sẽ đến.

Hai chị em Việt kiều Mỹ là Thảo My - Thảo Vy (giữa) đã mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho bóng rổ Việt Nam tại SEA Games 32

2. Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, quan điểm của ngành thể thao là sẽ không nhập tịch các vận động viên không có dòng máu Việt Nam. "Các vận động viên Việt kiều nếu mong muốn được về đóng góp cho quê hương thì thể thao Việt Nam sẵn sàng chào đón. Việt kiều cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của thể thao Việt Nam" – ông Việt nói.

Lực lượng 23 cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Philippines đều là người được sinh ra ở Philippines hoặc có gốc gác của quốc gia này, chứ không nhập tịch cầu thủ hoàn toàn không có trong mình dòng máu hay liên quan tới Philippines. Trong đó, Anicka Castañeda là gương mặt sinh ra và lớn lên ở Philippines; 22 cầu thủ còn lại tuy sinh ra ở Mỹ, Canada, Australia nhưng họ đều có bố, mẹ hay ông bà là người Philippines. Và chiến lược này đã và đang được Liên đoàn Bóng đá Philippines áp dụng trong khoảng 5 năm trở lại đây, trước khi đội tuyển nữ Philippines vô địch Đông Nam Á 2022 rồi bây giờ là có trận thắng lịch sử tại World Cup.

Bản thân Huấn luyện viên Mai Đức Chung của đội tuyển nữ Việt Nam cũng hoàn toàn hoan nghênh các cầu thủ gốc Việt, đặc biệt là những Việt kiều đang chơi bóng ở nước ngoài. Ông từng theo dõi, rèn luyện và đánh giá cao hai trường hợp Việt kiều là Chelsea và Kyah Le cách đây 4 năm về trước, tại U19 nữ Việt Nam. Tuy nhiên, “duyên” vẫn chưa đủ.

Có những vướng mắc không hề nhỏ khi trải thảm đón vận động viên Việt kiều về nước tham gia đội tuyển lâu dài. Thứ nhất, họ đã cơ bản đầy đủ điều kiện sống, làm việc, thi đấu thể thao ở quốc gia họ. Vận động viên có đẳng cấp lại càng khó mời về. Vậy nên, việc mời họ tham gia trong các chiến dịch mang tính “thời vụ” như SEA Games, ASIAD là hợp lý. Thứ hai, khả năng hòa nhập của ngoại binh ở môi trường đội tuyển không phải là dễ dàng. Sự cạnh tranh vị trí trong thể thao rất khốc liệt. Đơn cử như trường hợp Lee Nguyễn, là cầu thủ nổi tiếng tại Mỹ nhưng khi về nước anh hoàn toàn “chìm nghỉm” lại Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân cơ bản là không hòa hợp, ít nhận được sự hợp tác từ đồng đội.

Muốn thu hút được nguồn vận động viên ngoại đẳng cấp, chúng ta cần một cơ chế thích ứng: môi trường làm việc chuyên nghiệp và văn minh, thái độ ứng xử và chế độ đãi ngộ tốt. Làm được thế, các vận động viên Việt kiều mới có thể yên tâm cống hiến lâu dài!

Phong Uyên

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/the-thao/202307/da-den-luc-nhap-tich-ngoai-binh-12e1248/

 
 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ