A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khi bóng đá tử tế là “hàng hiếm”...

08:19 | 29/01/2015

Tại đêm gala trao Giải Fair Play 2014 do Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức tối 28-1 ở TP HCM, 3 hiện tượng đẹp của bóng đá Việt Nam đã được tôn vinh trong bối cảnh bóng đá nước nhà vẫn còn quá hiếm sự cao thượng...

Giải thưởng Fair Play ra đời nhằm tôn vinh nét đẹp, sự cao thượng trong bóng đá Việt Nam đã bước sang tuổi thứ ba và nhận được nhiều sự hưởng ứng, đồng hành từ những người làm bóng đá. Tuy nhiên, song song với giải thưởng cao thượng cũng là sự bất thường khi mà bóng đá Việt Nam đang tôn vinh những điều lẽ ra là chuyện bình thường, phải có của bóng đá chuyên nghiệp.

Trong 5 cái tên được Ban Tổ chức giải Fair Play tổng hợp và đề cử, có 3 cá nhân và tập thể được chọn ra để tôn vinh trong đêm trao giải lần lượt là tiền vệ Phạm Thành Lương, Hội CĐV Bóng đá Việt Nam (VFS) và đội tuyển U19 Việt Nam. Hành động chạy đi lấy bông băng, thuốc đỏ của đội tuyển mang lên khán đài đưa cho các CĐV Việt Nam bị hooligan Malaysia đánh chảy máu của tiền vệ Thành Lương đã thể hiện phần nào tinh thần tương thân tương trợ đồng bào khi gặp khó khăn.

HLV Graechen (thứ hai từ phải sang) cùng các tuyển thủ Xuân Trường, Tuấn Anh đại diện U19 Việt Nam nhận Giải thưởng Fair Play 2014 Ảnh: QUANG LIÊM

 
HLV Graechen (thứ hai từ phải sang) cùng các tuyển thủ Xuân Trường, Tuấn Anh đại diện U19 Việt Nam nhận Giải thưởng Fair Play 2014 Ảnh: QUANG LIÊM

Hai ứng viên còn lại là VFS và U19 Việt Nam cũng tạo nên nét đẹp trên sân cỏ và khán đài. Cả hai mang lại những hiệu ứng lớn cho bóng đá nước nhà sau một giai đoạn trầm lắng, bị người hâm mộ quay lưng. VFS ra đời cũng là phần tất yếu phải có của bóng đá Việt Nam khi trên thế giới hay thậm chí ở các quốc gia trong khu vực, những hội CĐV ra đời theo hướng chuyên nghiệp, cổ vũ bài bản, phong cách đẹp đã có từ lâu. Không phủ nhận nhờ có VFS, khán đài trở nên cuồng nhiệt hơn, các cầu thủ thi đấu “sung” hơn. Chính LĐBĐ Malaysia đánh giá cao VFS vì góp phần giữ yên bình cho khán đài sân Mỹ Đình ở bán kết lượt về AFF Cup với Malaysia sau sự cố hooligan Malaysia tấn công khán giả Việt ở lượt đi.

Tương tự là trường hợp U19 Việt Nam. Vấn nạn bạo lực sân cỏ lấn át chuyên môn và cách làm bóng đá không bài bản, căn cơ, buông lỏng giáo dục đạo đức, học vấn của cầu thủ đã gây bức xúc cho người hâm mộ. Từ đó, dẫn đến sự hâm mộ cuồng nhiệt với lứa U19 Việt Nam mà nòng cốt là đội bóng trẻ HAGL. Chỉ với thương hiệu “đá đẹp, đá có văn hóa”, cầu thủ được đào tạo bài bản, học đại học, có vốn ngoại ngữ, thầy trò HLV Graechen đi đến sân nào lập tức tạo nên cơn sốt vé ở đó, bất chấp thành tích chưa ổn định.

Sau án treo giò một năm của hậu vệ Đình Đồng vì đá gãy chân đồng nghiệp ở giai đoạn đầu V-League 2014 rồi 2 vụ bán độ liên tiếp của cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai, niềm tin dành cho lứa U19 ngày một tăng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh sự thiếu thốn trong văn hóa bóng đá Việt.

Tuyển U19 lại về nhất

Đội tuyển U19 Việt Nam tối 28-1 đã được trao Giải thưởng Fair Play 2014, năm thứ hai liên tiếp nhận phần thưởng đáng quý này. Tiền vệ Phạm Thành Lương nhận giải nhì, còn Hội CĐV Bóng đá Việt Nam (VFS) nhận giải ba.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Giải Fair Play cũng trao danh hiệu Vinh danh Fair Play đến ông Trần Anh Tú, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển và trưởng thành của futsal Việt Nam. Ông Tú là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thái Sơn Nam, đơn vị có vài đội bóng với cầu thủ là nòng cốt của tuyển futsal Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch LĐBĐ TP HCM. A.Dũng

 

Minh Ngọc

    nguồn: nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ