A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế: Vẫn còn nhiều cái khó

14:49 | 01/07/2013

Chính sách bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng, đóng góp về tài chính và thực hiện được định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện chính sách này vẫn còn nhiều khó khăn…

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, một trong những biện pháp để chính sách BHYT thực sự đi vào cuộc sống. Ảnh: Giang Nam

Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 và đã được hiện thực hóa những nội dung cơ bản trong Nghị quyết của Đảng, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho quá trình tổ chức thực hiện. Tại Dak Lak, việc thực hiện Luật đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ chỉ thị của Tỉnh ủy, công văn triển khai của UBND tỉnh đến hướng dẫn của sở, ngành liên quan. Theo đó, trong những năm qua,  quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng và bảo đảm, chất lượng và phạm vi dịch vụ y tế từng bước được cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu chi và có kết dư. Việc hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngân sách địa phương được thực hiện tương đối tốt, kịp thời, bảo đảm đủ nguồn để chi cho công tác khám, chữa bệnh (bình quân mỗi năm trên 400 tỷ đồng). Để bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ký kết hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 26 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 25 cơ sở công lập và 1 cơ sở ngoài công lập. Được thực hiện từ ngày 1-7-2010, đến nay đã có 16 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thanh toán theo định suất.

Tuy nhiên, chính sách BHYT trên thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc mở rộng đối tượng tham gia còn chậm, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh mới đạt khoảng 71% dân số. Trong đó, một số đối tượng tham gia đạt tỷ lệ thấp như: học sinh sinh viên tham gia khoảng 84%; người thuộc hộ cận nghèo xấp xỉ 2%; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh 20%; hộ gia đình 15,4%; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và thân nhân người lao động chưa triển khai (chưa có tiêu chí). Số doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, BHYT còn nhiều.  Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, con số nợ BHYT năm 2012 khoảng 21,3 tỷ đồng, trong đó đáng lo ngại là một số đơn vị cà phê do sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ nên nợ kéo dài (nợ trên 6 tháng). Tình trạng lạm dụng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT vẫn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh; thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế còn gây bức xúc cho người bệnh. Đáng chú ý là kết quả thanh kiểm tra liên ngành cho thấy, một số đơn chỉ định thuốc chưa hợp lý với chẩn đoán bệnh, đơn chỉ định thuốc không ghi rõ hàm lượng, áp đơn giá chưa đúng quy định. Về công tác phát hành thẻ BHYT, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc lập danh sách, in và cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc diện chính sách và học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lập danh sách của một số đơn vị, cơ sở đôi lúc còn chậm, tình trạng sai sót như họ tên, năm sinh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT vẫn phải chi trả khá nhiều từ tiền túi (trên 40%) cho các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Việc phải thực hiện cùng chi trả (theo các mức 5-20% tùy theo nhóm đối tượng) và phần chi phí người bệnh phải thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nếu vượt mức 40% tháng lương tối thiểu đã tạo những khó khăn nhất định đến người bệnh, nhất là người nghèo, người mắc các bệnh mãn tính. Đối với học sinh sinh viên được hỗ trợ 30% kinh phí để đóng BHYT nhưng mức đóng cũng tăng khoảng gần 2 lần so với trước nên đối tượng này tham gia BHYT vẫn còn thấp.

Giải quyết bài toán về những bất cập trong thực hiện chính sách BHYT, được biết, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác thu và giảm nợ đọng; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành để thực hiện công tác phát triển đối tượng và thu nợ bảo hiểm xã hội, BHYT trên địa bàn của tỉnh, kiên quyết khởi kiện những đơn vị có số nợ, kéo dài… Kết quả bước đầu cho thấy, năm 2012, số nợ bảo hiểm xã hội, BHYT giảm khoảng 17,1% so với năm 2011. Ngoài ra, các đơn vị liên quan như Sở y tế cần thực tốt công tác khám chữa bệnh cho người có thẻ, chỉ định làm các xét nghiệm, chẩn đoán  hình ảnh, thăm dò chức năng và các kỹ thuật chuyên môn cần thiết hợp lý, an toàn theo đúng quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có phương pháp kiểm tra để giảm số thẻ BHYT bị trùng trước khi chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội…

 

    Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ