A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rà soát các hạng mục liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên: “Làm chậm, làm ẩu là có tội với Đảng, với dân”

10:19 | 16/07/2013

Ngày 15-7, tại Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị báo cáo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường và nguồn cung cấp vật liệu cho dự án đầu tư mở

Đây là các dự án vừa khai thác, vừa thi công, có quy mô lớn, trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố và có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tại sao một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh giải tỏa nhanh chóng hàng nghìn hộ dân trong khi đó cũng tương đồng về điều kiện mà Quảng Trị suốt 5 năm không giải tỏa được các hộ dân đoạn qua TP Đông Hà?".

Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng QL1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, công tác GPMB có tổng kinh phí khoảng 8.600 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.500ha/25.000 hộ bị thu hồi đất, tổng số hộ phải tái định cư khoảng 7.500 hộ. Đối với dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (QL14) nối từ Đắc Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 663km đã hoàn thành giai đoạn 1 đoạn Đắc Giôn - Tân Cảnh (Kon Tum) dài 110km, giai đoạn 2 đang triển khai đầu tư 553km với khoảng hơn 533 tỷ đồng. QL1A và QL14 được hình thành từ lâu nên mật độ dân cư sống hai bên đường khá dày đặc nên khối lượng giải phóng mặt bằng và di dời các công trình ngầm rất phức tạp. Chính vì vậy, để thực hiện dự án, các khâu GPMB, bảo đảm ATGT, vệ sinh môi trường và cung cấp nguồn vật liệu là hết sức quan trọng.

Theo Bộ GTVT, đã có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong công tác GPMB, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ, giá đền bù chênh lệch, không hợp lý dẫn đến khiếu kiện của người dân. Cạnh đó, tại nhiều địa phương, việc xây dựng các khu tái định cư quá chậm trễ so với yêu cầu GPMB do khó khăn về nguồn vốn đầu tư; vốn cho công tác GPMB xử lý chậm so tính từ thời điểm áp giá đền bù.

Trong thời gian qua, trên các dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Nguyên nhân là do lưu lượng giao thông quá lớn, nền mặt đường bị thu hẹp, lực lượng tư vấn giám sát còn mỏng, chưa đôn đốc nhà thầu một cách quyết liệt. Về nguồn cung cấp vật liệu, theo báo cáo, khi dự án triển khai thi công, các chủ mỏ vật liệu quy định giá bán cao hơn giá trong thông báo của ngành chức năng địa phương, cao hơn cả đơn giá vật liệu trong dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.

Ông Mai Thức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: "Chúng tôi nhận khuyết điểm về công tác GPMB. Nhưng quả thật là có nhiều khó khăn khách quan. Ví dụ như năng lực nhà thầu có hạn, không có tiền đền bù cho dân, thậm chí đền bù xong lại chỉnh tuyến. Mặt khác, có khi lên phương án nhưng không được bố trí vốn, rồi chuyện thu hồi đất lúa quy trình phức tạp".

Không đủ năng lực đầu tư sẽ thu hồi dự án

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, các dự án đầu tư mở rộng QL1A và QL14 là các công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao năng lực khai thác của QL1A và QL14, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của cả nước, đã được Chính phủ quan tâm và Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện, sớm hoàn thành các dự án này vào cuối năm 2016. Và công tác GPMB, đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường và nguồn cung cấp vật liệu là những yếu tố quyết định đến việc hoàn thành dự án.

Với ý nghĩa đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị lãnh đạo 23 tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các ban, ngành của tỉnh tổ chức thực hiện nhanh chóng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như nội dung đã cam kết để đảm bảo tiến độ chung của dự án. “Hiện Chính phủ đã tạm ứng 5.000 tỷ đồng cho 2 dự án. Các địa phương cần nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục để được phân bổ và tiến hành càng nhanh càng tốt. Đối với các dự án BOT, các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra để GPMB. Đây chính là thời điểm để đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Đến tháng 8 này, đơn vị nào không bỏ tiền ra đầu tư thì dự án sẽ bị thu hồi”, bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng hỏi lãnh đạo Tập đoàn Trường Thịnh vì sao đơn vị này ỳ ạch trong tiến độ GPMB đối với dự án trong đoạn đi qua Quảng Bình, Quảng Trị?

Sau một hồi giải trình dài dòng, đổ lỗi cho các điều kiện khách quan của ông Võ Minh Hoài – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc tập đoàn này, Bộ trưởng kết luận: “Ngay việc giải trình, anh cũng trả lời dài và lâu như vậy thì chuyện làm việc dây dưa, kéo dài là đúng rồi”. Về ý kiến cho rằng một số nhà đầu tư không đủ năng lực đã bán dự án, trong đó có nhắc đến Cty 194 thi công dự án mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, đại diện Cty này khẳng định trước Thủ tướng, Bộ trưởng và các đơn vị liên quan là hoàn toàn không có.

Ông Trần Minh Kỳ – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh: "Tỉnh tôi có 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Làm công tác GPMB khó lắm, nhưng làm nhiều rồi mình cũng quen. Chúng tôi trả lời rõ câu hỏi của người dân “GPMB rồi có làm không? Người dân được hưởng gì?”. Với lại, ở tỉnh tôi, có thể trả tiền chậm cho nhà thầu chứ không để chậm đối với nhân dân".

Phải có quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ

Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên là công trình trọng điểm quốc gia được BCH Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ ấn định thời gian hoàn thành trong năm 2016. Muốn thi công đúng tiến độ, phải đảm bảo tốt việc GPMB. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi “Pháp luật về GPMB đã được ban hành và áp dụng nhưng vì sao có những địa phương thực hiện nhanh chóng lại có những địa phương chây ỳ, chậm trễ. Điều này do quyết tâm chính trị của ta chưa cao hay giải pháp làm chưa đồng bộ?”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng quán triệt các địa phương phải nhanh chóng lập Ban chỉ đạo về công tác GPMB, đích thân lãnh đạo tỉnh, thành phố phải nằm trong ban chỉ đạo để có chế độ kiểm tra và chịu trách nhiệm trong công tác điều hành, thực hiện. Cạnh đó phải kiểm tra hiện tượng gian lận trong thi công, tham ô trong đền bù. Dù quán triệt phải hoàn thành công tác GPMB trong năm 2013 nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo ATGT và nhấn mạnh không vì chạy tiến độ mà để TNGT tăng lên, ùn tắc giao thông dày đặc.

Đơn vị nào vi phạm cũng sẽ bị đình chỉ thi công. “2 dự án này liên quan đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân trong vùng cũng như tính mạng của người tham gia giao thông cả nước. Làm chậm, làm ẩu đều có tội với Đảng, có tội với nhân dân. Chính vì vậy các ban ngành, địa phương cũng như nhà đầu tư phải đưa hết trách nhiệm của mình mà làm. Đối với chủ đầu tư các dự án BOT, tôi giao Bộ GTVT kiểm tra và giám sát nghiêm. Hết tháng 8 này, dự án nào không triển khai thi công thì phải kiên quyết thu hồi, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng bán dự án, bán thầu”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

* Chiều 15-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đoàn công tác đã đến thăm Trung tâm tín hiệu điều khiển giao thông Đà Nẵng. Đây là dự án có quy mô lớn, bao gồm các hạng mục như Trung tâm điều hành giao thông, lắp đặt mới, nâng cấp 64 nút tín hiệu giao thông, 36 camera quan sát tại các nút giao thông, lắp đặt hệ thống cáp ngầm nối trung tâm điều khiển với các nút tín hiệu giao thông, được đầu tư trên 145 tỷ đồng, trong đó vốn ODA do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ gần 70 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố hơn 74,3 tỷ đồng.

Việc đưa trung tâm vào hoạt động vừa đáp ứng yêu cầu điều hòa giao thông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống camera, từ Trung tâm có thể quan sát, phát hiện các lỗi vi phạm, biển số xe và cả đặc điểm nhân dạng của người tham gia giao thông để xử lý nguội.

    Nguồn: cadn.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ