A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Krông Bông: Nở rộ "cò" xin việc làm

16:45 | 15/09/2013

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Krông Bông xuất hiện nhiều đối tượng “cò” xin việc làm.

Họ tự xưng là “người nhà”, “người thân” của các vị lãnh đạo, người có chức trách để môi giới việc làm. Để thu hút mọi người, các đối tượng “cò” xin việc làm thường đưa những chứng thuyết giả tạo nhằm tạo lòng tin nhiều người để lừa đảo...

Cô L. (SN 1966, ở thôn Điện Tân, xã Cư Pui) khoe với mọi người rằng mình thân quen với ông Y. một người có chức quyền về hưu, ông ấy có mối quan hệ thân tình với nhiều lãnh đạo trong huyện, tỉnh và sẽ xin cho đứa con trai đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm Huế vào biên chế Nhà nước. Theo yêu cầu đặt ra của ông Y. chi phí trọn gói thì sẽ nói sau nhưng trước tiên cô X. phải tạm ứng trước cho ông Y. số tiền 1.500.000 đồng để làm “lộ phí đường xa”. Tin lời ông Y và cũng muốn cho con mình học xong có việc làm nên cô X. đã móc hầu bao đưa tiền cho ông Y. nhờ giúp đỡ; nhưng đã gần một năm trôi qua, ông Y. vẫn chưa có thông tin phản hồi. Mỗi lần điện thoại liên lạc thì chỉ nghe tít…tít… rồi im bặt!

Căn nhà cấp 4 của bà M.

Tương tự như cô X., bà Nguyễn Thị Th. (xã Hòa Lễ) cũng là một nạn nhân cho biết: “Vì người môi giới xin việc là người nhà, nên gia đình tôi không chút bận tâm và đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng huyện 50.000.000 đồng để xin việc cho con. Họ hứa hẹn lần này lượt khác, chờ mãi 2 năm trời nhưng việc của con chẳng thấy đâu cả. Cũng rất may là cuối cùng số tiền đó họ đã trả lại, nhưng lãi suất ngân hàng vay trong 2 năm nay thì gia đình tôi phải trả…”. Cách đây mấy hôm, bà Th. cho biết là sắp sửa cho con đến một huyện nào đó ở tận Cà Mau để làm việc vì đã có người thân xin giùm. Không biết công việc sẽ ra sao, chỉ biết giờ phút này con gái của bà Th. vẫn ở nhà và ngày ngày đi làm thuê cho người dân trong xóm.

Oái oăm nhất là trường hợp chị Lê Thị N. (SN 1990, ở thôn Điện Tân): tốt nghiệp Khoa Sư phạm Trường Cao đẳng Văn hóa Du lịch Nha Trang, ra trường từ năm 2011; qua 3 lần nhờ “cò” xin việc và lần nào cũng phải chờ đợi mỏi mòn, nên đến nay chị đã cưới chồng và đang đợi đến ngày bế con. Chị N. cho biết: lần xin việc thứ nhất, gia đình nhờ ông D. ở xã Hòa Lễ chạy xin làm giáo viên ở một trường tiểu học ở huyện với giá trọn gói 95 triệu đồng; ông D. ứng trước 20 triệu đồng rồi hứa hết lần này đến lượt khác mà vẫn không xin được việc; gia đình bức xúc đến đòi, sau đó thì được ông D. hoàn trả nhỏ giọt một năm sau mới hết nợ. Tiếp tục lần thứ hai và ba, gia đình chị N. lại nhờ cậy ông S. ở huyện Ea Kar, ông O. ở xã Hòa Lễ với chi phí ứng trước gần 50 triệu đồng; đến nay đã hơn một năm trôi qua mà công việc thì vẫn chưa có. Chị N. bức xúc: “Gia đình tôi phải bán mất 4 sào đất ở sau nhà được 54 triệu đồng và vay mượn người ngoài với lãi suất 40-50%/ tháng để nhờ “chạy việc”. Nhưng việc đâu chẳng thấy, chỉ thấy lãi suất càng ngày càng tăng mà xót xa cho cha mẹ…”.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, nằm bên con đập Ea H’mul, bà M. (45 tuổi, thôn Điện Tân) với nét mặt buồn thảm, tiếng nói run run ngắt quãng thuật lại: “Con tôi học nghề Sư phạm ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, đã ra trường năm 2011. Được mọi người giới thiệu cô L. dạy học ở huyện Krông Năng là người có quan hệ thân tình với một số cán bộ có chức, có quyền ở tỉnh nên chúng tôi đã nhờ cô L. xin việc làm. Khi nhờ xin việc cho con, gia đình tôi không có tiền, nên phải vay mượn ở ngoài với lãi suất khá cao được 100 triệu đồng để chuyển cho cô ấy. Chờ mãi nay đã hơn hai năm trời mà con tôi vẫn chưa được đi làm. Bây giờ thì một mình tôi (chồng bà M. đã mất năm 2011) phải è lưng làm nuôi 3 đứa con đang đi học và trả nợ tiền vay ngoài…”.

“Chiêu bài” của các đối tượng “cò” xin việc làm thường áp dụng để tạo sự tin tưởng đối với các nạn nhân là mượn danh nghĩa của một số người làm trung gian, giới thiệu họ là những người có uy tín trong xã hội, có quan hệ họ hàng thân thiết với lãnh đạo các huyện và tỉnh, đã xin việc thành công cho rất nhiều người… Do hầu hết nạn nhân là người nghèo, ít hiểu biết nhưng vì con cái, nên họ sẵn sàng vay mượn ngân hàng, anh em họ hàng, thậm chí vay lãi bên ngoài để đưa tiền cho “cò” xin việc. Từ đó dẫn đến tình trạng, nhiều gia đình “khóc dở, mếu dở” khi con thì không xin được việc, tiền vay thì sinh lãi từng ngày…

Có thể nói, mong muốn con em mình có công ăn việc làm ổn định là nguyện vọng chính đáng của tất cả các bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là với những người nông dân nghèo. Chính vì vậy, họ đã dễ dàng tin tưởng giao tất cả của cải mà mình tích cóp, vay mượn được cho kẻ lừa đảo. Thực tế hiện nay cho thấy còn có rất nhiều sinh viên, học sinh ra trường chưa có việc làm, vậy nên chắc chắn vấn đề xin việc, “chạy việc” sẽ còn diễn ra phức tạp. Người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, xa nên đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo của “cò” xin việc làm. Những ai có nhu cầu tìm việc làm cần đến liên hệ với Trung tâm xúc tiến việc làm ở địa phương hoặc những cơ quan tuyển dụng thuộc các ban, ngành theo quy định, tránh qua môi giới trung gian dẫn đến “tiền mất, tật mang” như trên.

Trung Thu

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ