A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cư Elang mỏi mòn chờ điện!

14:32 | 11/11/2013

Hơn 20 năm kể từ ngày vào lập nghiệp tại vùng đất mới Cư Elang (huyện Ea Kar) đến nay, khoảng 55% hộ dân trên địa bàn xã chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, hoặc nếu có thì phải tự đầu tư nguồn điện không bảo đảm chất lượng…

Mặc dù đã góp vốn kéo điện về nhà nhưng nhiều gia đình  ở xã Cư Elang vẫn thường xuyên nấu cơm, nước bằng bếp củi.
Mặc dù đã góp vốn kéo điện về nhà nhưng nhiều gia đình ở xã Cư Elang vẫn thường xuyên nấu cơm, nước bằng bếp củi.

Xã Cư Elang hiện có 1.665 hộ, trong đó có 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất xấu, bạc màu, pha cát, mưa thì ngập úng, nắng lại khô hạn, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống của người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2012 là 62%. Chính vì vậy, mong muốn có nguồn điện lưới ổn định, phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống là mơ ước của phần lớn người dân nơi đây. Đưa chúng tôi thăm tại một số thôn “trắng” điện, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Lập trăn trở: “Toàn xã có 25 km đường điện trung thế và 30 km đường điện hạ thế, 10 trạm biến áp. Tuy lưới điện đã kéo đến 90% thôn, buôn của xã, nhưng mới chỉ có 680 hộ được sử dụng điện. Sở dĩ như vậy là do địa bàn rộng, các hộ dân ở phân tán nên mạng lưới điện hạ thế do ngành Điện lắp đặt chỉ phục vụ được khoảng 32,6% số hộ, các hộ còn lại phải tự đóng góp kéo đường dây, cột không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của ngành. Hiện vẫn còn hơn 980 hộ dân thuộc các thôn 2, 3, 6B, 6Đ đến nay chưa được sử dụng điện”.

Đường điện ở xã Cư Elang được kéo tạm bợ gây hao hụt điện năng lớn và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Đường điện ở xã Cư Elang được kéo tạm bợ gây hao hụt điện năng lớn và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Gia đình ông Hồ Trí Lễ vào sinh sống tại thôn 3, xã Cư Elang từ năm 1994. Sau 13 năm sống trong cảnh đèn dầu, năm 2007 ông cùng 47 hộ khác trong xã họp bàn đóng góp tiền mua dây, đồng hồ tự kéo điện về dùng. Ông Lễ cho biết: “Những hộ ở gần đóng khoảng 3 triệu đồng, hộ ở xa phải đóng đến 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, các hộ ở cách xa nhau nên để tiết kiệm chi phí, chúng tôi đành mua dây nhỏ, tận dụng những cột gỗ tạm bợ để kéo điện, khiến nguồn điện yếu, chập chờn, nhiều khi không đủ dùng cho sinh hoạt hằng ngày”. Tương tự, để có điện phục vụ sinh hoạt, gia đình ông Mộc Thanh Phương (dân tộc Dao) ở thôn 3 cũng phải đóng góp 6 triệu đồng tự kéo điện về nhà. Vì nhà ở cách đường dây chính hơn 3 km nên điện rất yếu, nhiều lúc không thể xem được tivi, từ 19 giờ trở đi, bóng điện nêon không sáng được. Hơn nữa, do nguồn điện chập chờn nên các thiết bị điện thường xuyên bị cháy, cơm nấu không chín. Theo Trưởng thôn 3 Hồ Minh Tài, toàn thôn có 76 hộ, chủ yếu là người dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mường vào sinh sống từ năm 1994, trong đó có 39 hộ nghèo. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên hiện mới chỉ có 48 hộ đầu tư kéo điện về sinh hoạt, số còn lại vẫn chưa được sử dụng điện. Những hộ đã đóng góp tiền kéo điện thì chất lượng nguồn điện cũng rất yếu và phải trả tiền điện với giá cao gấp đôi do chịu thêm lượng điện năng hao hụt trên đường dây. Người dân chỉ mong sao các cấp, ngành liên quan sớm quan tâm, đầu tư kéo điện cho các hộ.

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù đã rất nhiều lần người dân đề đạt nguyện vọng được kéo điện về phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, và UBND xã cũng đã tổng hợp ý kiến kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Không có điện lưới khiến đời sống, sản xuất của người dân càng thêm khó khăn và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, mong sao các ngành hữu quan sớm có phương án kéo điện cho các hộ dân trên địa bàn xã để bà con không còn “khổ” vì thiếu điện.

 Nguyễn Xuân

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ