A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tự chủ đại học: Không nên áp trần mức học phí

09:41 | 22/08/2018

Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), Nhà nước không nên áp trần mức học phí mà để nhà trường tự quyết định, cụ thể là Hội đồng trường chứ không phải hiệu trưởng quyết định.

Với quy định mà Bộ GDĐT đưa ra trước đó là Hội đồng trường có số lượng thành viên bên ngoài trường tối thiểu 30% sẽ phát huy tác dụng. Khi số người bên ngoài trường, tức là đại diện cho xã hội nhiều hơn thì sẽ đưa ra mức học phí vừa phải để người dân có thể chịu được. 

TS Lê Viết Khuyến.

PV: Như ông phân tích, nếu học phí quá cao thì người nghèo sẽ khó theo học. Cần phải giải bài toán này như thế nào? 

TS Lê Viết Khuyến: Người ta tính ra chi phí đơn vị là tất cả tiền đầu tư cho một người học để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng… Nếu tính tất cả vào đầu người học thì tiền người học phải đóng sẽ tăng vọt. Nhiều người nghèo sẽ không kham nổi chi phí phải đóng góp để đi học. Ngược lại, nếu giảm chi phí đơn vị đi thì chất lượng đào tạo khó đáp ứng được chuẩn chung, nói chung là sẽ kém đi. 

Giải quyết bài toán này bằng cách chia sẻ chi phí đơn vị. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, tự chủ ĐH nhưng Nhà nước vẫn đầu tư và nhà trường được toàn quyền sử dụng tiền đấy như thế nào. 

Phải tính xem nhà nước đầu tư bao nhiêu, huy động từ xã hội, mạnh thường quân, doanh nghiệp là bao nhiêu. Trường tự sản xuất từ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ được bao nhiêu? Các tiền đó tái đầu tư cho hoạt động đào tạo là bao nhiêu. Phần còn thiếu sẽ tính vào phần người học phải đóng góp là học phí. Ở Việt Nam hiện nay ngoài học phí là công khai thì chưa rõ ràng phần đóng góp của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân là thế nào. Cần phải đa dạng hóa các nguồn thu và trường ĐH phải chủ động tìm kiếm các cơ hội, các nguồn thu và luật hóa các nguồn thu đó. 

Hiện nay có ý kiến đề xuất Chính phủ cần nới lỏng các quy định về tài chính cho trường ĐH, cho phép hoạt động theo cơ chế như một doanh nghiệp. Quan điểm của ông?

- Các trường ĐH ngoài nguồn thu từ học phí có thể triển khai các hoạt động dịch vụ để làm ra của cải, dùng nó để đắp bù cho chi phí đào tạo. Hiện nay trong Luật không quy định rõ nên các trường vẫn gặp khó khi mở công ty thì vấn đề đánh thuế ra sao, các dịch vụ ưu đãi thế nào… Đó là những khiếm khuyết của Luật cần đưa vào tới đây.

Cũng liên quan đến mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, Luật Giáo dục ĐH ở một số nước quy định rất rõ trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp cho trường ĐH khi sử dụng sản phẩm của giáo dục. Trong khi ở Việt Nam, chỉ có doanh nghiệp tài trợ theo kiểu hảo tâm. Tôi cho rằng, chúng ta có thể tham khảo Luật GD ĐH của Indonesia ban hành năm 2012 có quy định cụ thể về sự gắn kết của doanh nghiệp với nhà trường.

Về vấn đề tự chủ về học thuật, nếu như để tất cả các trường được quyền quyết định mọi vấn đề về học thuật có nguy cơ xảy ra tình trạng rối loạn không thưa ông?

- Nếu tất cả các trường ĐH lớn nhỏ, mới thành lập hay lâu đời ở Việt Nam đều tự do hoàn toàn về chương trình đào tạo thì theo tôi không ổn. Trước hết, quy định của Nhà nước hiện nay là các trường cần dạy một số môn như Ngoại ngữ, quân sự, giáo dục thể chất… Dù tự chủ cũng vẫn chấp hành các quy định này. 

Thứ hai, tôi lấy ví dụ ở Việt Nam có đến vài trường đào tạo nghề y. Nếu để mỗi trường tự do đào tạo thì sẽ dẫn đến rất nhiều các loại bác sỹ khác nhau. Bộ Y tế sẽ sử dụng thế nào? Vì vậy cần đưa ra các quy định tối thiểu phải đạt được. Không quy định tối đa mà để các trường tự chủ. 

Tóm lại, sẽ không có một mặt bằng chung, chuẩn chung cho tất cả các trường nhưng có chuẩn tối thiểu để dựa vào đó, các trường tự xây dựng chương trình riêng. 

Trong lộ trình thực hiện tự chủ, theo ông cần lưu ý những điểm gì?

- Nói về tự chủ còn có vấn đề tổ chức nhân sự, mức lương cho giảng viên, trong đó có mức lương tối thiểu làm sao đảm bảo đời sống của người lao động… Khi đã làm rõ tất cả khái niệm đó thì mới thực sự là tự chủ. 

Thứ hai, khi thực hiện tự chủ, không trao quyền quyết định cho cá nhân một người hiệu trưởng mà trao cho một tập thể, là Hội đồng trường. Tôi thấy, một số trường đã thành lập Hội đồng trường nhưng đây chưa phải là cơ quan quyền lực cao nhất, thể hiện ở việc Hội đồng trường không có quyền chọn Hiệu trưởng… 

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ