A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sức mạnh nhiệm mầu

08:56 | 15/12/2013

Không vì hoàn cảnh gia đình, không vì cơ thể khuyết tật mà mất đi khát vọng sống và sống hữu ích. Chàng trai ấy vẫn đam mê và cháy hết mình cùng thơ ca để vượt qua nghịch cảnh

 

Cái se lạnh của những cơn gió mùa đông đang chồm về thì cũng là lúc ngoài ô cửa nhỏ, vạt nắng như vàng tươi tươm mật. Thời tiết này có thể làm anh đau hơn bởi cơ thể không lành lặn như mọi người. Thế nhưng, nó không thể làm cho câu thơ anh lạnh. Tình người trong anh đang rực sáng vì người khác. Anh lại mở Facebook và chat cùng bè bạn văn chương. Chân trời internet mở ra cho anh những nguồn sống mới...

Cứu rỗi tật nguyền

Chàng trai đó là nhà thơ Huệ Nguyên (tên thật Nguyễn Văn Hợp, SN 1986), quê quán Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên tại xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Hợp là con thứ 10 trong gia đình có 11 người con, có cha từng tham gia kháng chiến chống Mỹ những năm 1965-1972.

Nhà thơ Huệ Nguyên (giữa) và một số thành viên nhóm Toàn Xương Ảnh: PHƯƠNG TRẦN

Năm Hợp lên 3 tuổi, gia đình phát hiện những triệu chứng của căn bệnh teo cơ toàn thân. Cha mẹ đã đưa Hợp đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. Hợp vẫn cố gắng đến trường nhưng đành dừng lại ở lớp 11, mãi phải ngồi trên chiếc xe lăn và trườn lên bằng niềm tin yêu, hy vọng với đời qua những dòng thơ rực lửa yêu thương. Hợp bị teo cơ toàn thân do di chứng da cam, chỉ còn cái đầu hoạt bát và đôi mắt sáng gợi ra nhiều ấn tượng và sự quý mến với những ai gặp anh.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu tại TP Quy Nhơn vào tháng 8-2012, lúc ấy sức khỏe của Hợp đã kém lắm. Còn hiện nay, Hợp cho biết anh chỉ còn “da bọc xương”, nghe mà mủi lòng! Tôi thắc mắc sao mà sức khỏe ngày càng trầm trọng vậy, Hợp bảo thuốc đã hết tác dụng nên anh đã thôi, không uống nữa.

Cuộc sống buồn tẻ trên chiếc giường bệnh cứ lặp đi lặp lại đến nhàm chán cũng là cơ duyên khiến Hợp tìm đến với thơ ca để giãi bày, trút tâm sự. Những vần thơ đã tiếp thêm niềm tin yêu của anh vào cuộc sống. Niềm tin ấy được nhân lên khi chùm thơ đầu tay của Hợp được đăng tải trên Tạp chí Chư Yang Sin - Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk và đoạt giải trong Cuộc vận động Sáng tác văn học năm 2006 do Hội VHNT, Đài PTTH tỉnh Đắk Lắk đồng tổ chức.

Niềm đam mê văn chương cứ lớn dần, để rồi Hợp nhận ra thơ ca chính là cuộc sống, là nơi mà anh có thể tiếp cận, bắt nhịp với thế giới bên ngoài. Những khiếm khuyết của cơ thể, sự tự ti, mặc cảm về số phận đã không còn là điều đáng ngại khi Hợp được hòa mình, vùng vẫy trong thế giới vô hạn của ngôn từ, tự tìm thấy cho mình những niềm vui, ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

“Như một sự mầu nhiệm, thơ ca không chỉ cứu rỗi linh hồn mà còn tiếp thêm cho tôi sức mạnh, lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống. Những tập thơ đã in, tôi chưa thực sự hài lòng cho lắm. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng dần hoàn thiện để có được một chất giọng, một lối viết mang âm sắc của riêng mình” - Huệ Nguyên bày tỏ.

Năm 2012 là một năm khá thành công với Huệ Nguyên. Những bài thơ được đăng tải nhiều hơn trên các báo, tạp chí văn học nghệ thuật của trung ương và địa phương. Đó là niềm an ủi, sự khích lệ cũng như tạo thêm nguồn động lực cho Huệ Nguyên sáng tạo đẹp trên từng trang viết.

Điều hạnh phúc hơn nữa chính là sự ghi nhận của Hội VHNT tỉnh nhà dành cho những cố gắng cũng như thành quả lao động nghệ thuật của Huệ Nguyên. Tập thơ Mùa gọi của anh đoạt giải B của Hội VHNT Đắk Lắk và được giải Tác giả trẻ của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam năm 2012.

Huệ Nguyên đã xuất bản ba tập thơ Thơ và tôi, Ngày xa em và Mùa gọi. Thơ anh mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc về tình yêu và cuộc sống từ chính nội tâm của tác giả. Thi hứng trào dâng cùng niềm tin vào cuộc sống mãnh liệt như bật xanh lên từng ngày từ sự động viên của gia đình, bè bạn nhưng cái chính là bản thân anh đã biết vượt lên chính mình.

Lời đầu sách cho tập thơ Mùa gọi, Hội VHNT Đắk Lắk đã đặt sự tin yêu, kỳ vọng vào tác giả trẻ này: “Huệ Nguyên đã thể hiện được một âm giọng riêng trong tác phẩm cũng như khẳng định được sức sáng tạo không ngừng. Vẫn là những hình ảnh quen thuộc của miền đất cao nguyên, là những biểu cảm qua các sắc thái và bình diện cuộc sống nhưng ta đã thấy toát lên từ những câu thơ của Huệ Nguyên những nét tươi mới, sâu sắc. Từ đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào khả năng và vị trí trên văn đàn của Huệ Nguyên trong thời gian không xa”.

Năm 2013, nhiều lần Huệ Nguyên chực ngã nhưng niềm tin réo gọi, nghị lực lại thắng nỗi đau. “Tôi tiếp tục hoàn thiện bản thảo để in thêm một tập thơ nữa vào khoảng cuối năm nay” - Huệ Nguyên cho biết. Nhiều người đang chờ Phía ngày loang nắng của anh sẽ sớm ra mắt công chúng.

“Chưa bao giờ tôi hoài nghi về sự kỳ diệu của thơ ca - thứ ngôn ngữ long lanh đầy âm sắc, hình tượng và cũng đầy huyền hoặc… Không chỉ là cứu cánh cho những tâm hồn chai sạn rốt ráo muốn tìm về lại với bản ngã của chính mình mà hơn thế, thơ chính là phương ngữ để cho ta trải lòng mình với cuộc đời” - Huệ Nguyên tâm sự.

Nối vòng tay khốn khó

Cuối năm 2011, nhiều anh em khuyết tật quen biết nhau trên mạng. Sau một thời gian, họ quyết định tập hợp thành một nhóm để chia sẻ và động viên cùng sống có ý nghĩa. Nhóm Toàn Xương được hình thành từ đó. Ngày 1-1-2012, Diễn đàn Văn học do Toàn Xương thành lập chính thức hoạt động, tạo một sân chơi cho những bạn trẻ có niềm đam mê văn học, đồng thời cũng là nơi giao lưu, trao đổi của thành viên trong nhóm.

 

“Việc đi lại quá khó khăn nên website hoiquantre.info là nơi trao đổi, truyền lửa tin yêu cho nhau của chúng tôi với bạn bè và những nhà văn, nhà thơ khác” - Lê Hữu Nam, một thành viên nhóm Toàn Xương, thổ lộ.

Thế nhưng, website này sắp phải “đóng cửa”. “Các trang mạng xã hội hiện hoạt động rất mạnh và nhanh chóng cập nhật thông tin. Tụi tôi theo chưa kịp, nguồn vốn lại ít ỏi quá nên chắc phải đóng cửa. Nhóm sẽ tập trung toàn lực vào việc tìm học bổng cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh nghèo, tàn tật vượt khó học tập” - Huệ Nguyên trải lòng.

Các thành viên trong nhóm Toàn Xương gồm Hàn Tương Thi (Nguyễn Hữu Thịnh, Hải Dương), Hàn Phong Vũ (Nguyễn Văn Lâm, Thanh Hóa), Huệ Nguyên, Lê Hữu Nam (Hà Tĩnh) và nhiều bạn khác cùng hoàn cảnh tìm đến nhau để tương trợ. Thơ đã nối các bạn sống rải rác trong Nam ngoài Bắc lại thành vòng tay, sẵn sàng chia sẻ những bất hạnh và khốn khó.

Năm 2013 này, nhóm Toàn Xương đã thực hiện được 2 suất học bổng cho Nguyễn Thị Thương (Trường Đại học Văn hóa) mỗi tháng 300.000 đồng và Y Sắc Triêk (đang học lớp 7) mỗi tháng 200.000 đồng. Những đồng tiền có được là do các thành viên trong nhóm dành dụm từ nhuận bút và những nhà hảo tâm đóng góp. Niềm vui ánh lửa trên từng gương mặt của thành viên Toàn Xương. “Giúp được người khác để thấy mình không bơ vơ, lạc lõng, đó là niềm vui lớn lao đối với chúng tôi” - Huệ Nguyên tâm sự.
Giai điệu, con chữ cất lời
Ít ai rõ Huệ Nguyên học đàn và biết đàn từ khi nào. Những khi chất chứa tâm sự, chàng trai xóm núi ấy lại khảy đàn. Sáu sợi dây tình cảm của guitar vang lên bập bùng khát vọng. Có khi Huệ Nguyên lại loay hoay với những người bạn cũ - mới trên Facebook.
Huệ Nguyên “phiêu” cùng cây đàn guitar
 
Thông tin trên những trang báo mạng làm cho chàng trai ấy thấy thế giới nhỏ lại trong cái “nhấp chuột” và mở rộng ra những nỗi niềm. Huệ Nguyên lại làm thơ. Những câu thơ cháy sáng phía sau nương rẫy cà phê, nơi đó đang thêm nhiều nếp nhăn trên trán mẹ. Những giọt thơ chảy ra tri ân với đời, với mẹ cha, người thân…
Khi biết cha mình khó thoát khỏi bàn tay tử thần, Huệ Nguyên nén nước mắt nhưng không thể nén lòng gửi qua câu chữ. Thơ chảy ra dòng xúc cảm đắng lòng. Cha anh đã ra đi vài tháng trước đây.
Huệ Nguyên đọc cho tôi nghe qua điện thoại bài thơ Dự cảm cho ngày tháng bảy mà anh vừa sáng tác. Tôi nghe như đỉnh gió trên ngọn Chư Yang Sin đang réo gọi Huệ Nguyên. Anh như đang trườn lên chính mình để về miền sáng, miền của khát sống đầy đặn: Những cơn mưa chạy qua ngày thay áo/ Chẳng giặt nổi vết buồn/ mé lòng con ố mùa trăn trở/ Những con chữ chạm vào tháng bảy/ Run run cọng cỏ nguyện cầu!/ Cố níu vào vạt áo thời gian/ Gói sắc hồng vội nhạt/ Nhưng chẳng thể cầm giọt ngày chợt tắt/ Chiều úa trên ngón tay không giữ nổi tuổi mình./ Con phác họa một ngôi nhà rất đỗi bình thường/ Mẹ đeo kính xâu kim may áo/ Cha nhấp tách trà khề khà chuyện con thằng út bi bô tập nói đến mắc cười./ Bởi không thể vượt qua những hạn định cuộc đời/ Con thèm một giây ánh mắt cha ấm từng bước chân bầm vết ngã./ Những đọt buồn mọc đầy ngày tháng bảy/ câu thơ con côi cút ngõ về!

                                                                                                                                   Đơn vị đồng hành

 

    Nguồn: nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ