A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lại điên đầu với tin nhắn rác

16:14 | 02/09/2018

Tin nhắn, cuộc gọi rác đang quay lại tấn công người dùng khiến nhiều người mệt mỏi

Sau một thời gian dài giảm "tấn công" người dùng do cơ quan quản lý siết mạnh tay thì gần đây, tin nhắn rác xuất hiện nhiều trở lại với các hình thức ngày càng biến tướng, tinh vi. Các chuyên gia cho rằng nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn tin nhắn rác.

"Hành hạ" người dùng

Chị Nguyễn Minh Thanh (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết trước đây, thỉnh thoảng chị mới nhận được vài tin nhắn mời mua đất, căn hộ chung cư… Thế nhưng, những ngày qua, hầu như ngày nào chị cũng nhận được hàng loạt tin nhắn mời mua tour du lịch, nghỉ dưỡng, rao bán đất nền, căn hộ, mời đi spa, khách sạn, mua bảo hiểm, đầu tư tài chính…

Lại điên đầu với tin nhắn rác - Ảnh 1.

Tin nhắn rác liên tục gửi đến làm phiền người dùng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

" Vợ chồng tôi dùng 3 SIM của MobiFone, Viettel, VinaPhone thì đều bị tin nhắn rác làm phiền. Chúng tôi còn bị tin nhắn của chính nhà mạng gửi đến mời mua gói cước 3G, sử dụng các dịch vụ của họ, mua game, ứng dụng cho smartphone. Chồng tôi cho biết có ngày nhận được 4-5 tin nhắn kiểu này. Tin nhắn của nhà mạng lại không cung cấp cú pháp để từ chối nên không biết cách nào để chặn" - chị Thanh bức xúc.

Anh Trần Hoàng Minh (quận 3, TP HCM) cho biết nhiều công ty còn sử dụng tổng đài tự động để gọi cho anh. "Họ dùng số di động hoặc số máy bàn gọi đến. Khi tôi bắt máy thì tổng đài tự động phát thông tin chào mời quảng cáo dịch vụ rồi hướng dẫn bấm tiếp số để nghe tư vấn trực tiếp" - anh kể.

Nhiều người khác cũng than phiền về tin nhắn rác biến tướng các kiểu để tấn công người dùng. Nhiều công ty, cá nhân sử dụng các hệ thống máy tính giả mạo đầu số của nhà mạng để nhắn tin khiến người dùng lầm tưởng là tin nhắn của nhà mạng, hay mua hẳn đầu số dịch vụ kiểu 1900xxxx để nhắn tin làm phiền người dùng. Không dừng lại ở tin nhắn SMS thông thường, nhiều đối tượng còn sử dụng 3G, 4G để nhắn tin rác tấn công người dùng qua Zalo, Viber, Facebook Messenger… khiến họ "điên đầu".

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết sau 10 tháng triển khai (từ tháng 5-2017 đến 2-2018), số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng di động là khoảng 260 triệu. Sau khi đưa hệ thống ngăn chặn thông minh và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Viettel đã chặn hơn 41,6 triệu tin nhắn rác từ các nhà mạng trong năm 2017 và hơn 18,1 triệu tin nhắn rác trong 3 tháng đầu năm 2018. VinaPhone chặn hơn 138,1 triệu tin nhắn rác trong năm 2017 và hơn 4,4 triệu tin trong 3 tháng đầu năm 2018. Liên quan đến ngăn chặn liên mạng của các nhà mạng, từ tháng 5-2017 đến 3-2018, Viettel đã chặn hơn 19,3 triệu tin nhắn rác, VinaPhone hơn 164,2 triệu tin, MobiFone hơn 14,8 triệu tin…

Dễ dàng mua bán thông tin cá nhân

Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn, cho rằng tin nhắn rác còn hoạt động là do thông tin cá nhân của người dùng bị thu thập, rao bán quá dễ dàng.

"Bất cứ ai cũng có thể mua được danh sách hàng chục ngàn số điện thoại, email… của người khác. Từ đó, họ chỉ cần sử dụng các công cụ tự động gửi tin nhắn hàng loạt là trong vòng 1 phút sẽ có hàng ngàn, chục ngàn tin nhắn rác đổ xuống máy điện thoại cá nhân. Nếu không ngăn chặn được việc thu thập, rao bán thông tin cá nhân thì rất khó chặn tin nhắn rác" - ông Vũ nhìn nhận.

Theo ông Lê Thành Nhân, chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM, nhà mạng phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác. "Không phải người dùng nào cũng biết cài phần mềm ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Nhà mạng phải có công cụ, bộ lọc ngay từ đầu, có biện pháp xử lý với các thuê bao phát tán tin nhắn rác" - ông Nhân bày tỏ.

VNCERT cho biết phương thức phát tán tin nhắn rác ngày càng chuyên nghiệp và cần phải xử điểm một số hành vi để răn đe. Theo VNCERT, trước đây, nội dung tin nhắn hầu hết là lừa đảo, dụ dỗ người dùng dịch vụ có thu cước nhưng được quảng cáo dưới hình thức mập mờ giá cước miễn phí hoặc với mức cước thấp hơn thu thực tế, lừa đảo nạp tiền… Hiện nay, nhiều tin nhắn bị phản ánh là quảng cáo thông thường như bất động sản, SIM số đẹp, hàng hóa tiêu dùng, show ca nhạc, tín dụng… Các đối tượng phát tán tin nhắn rác cũng liên tục thay đổi phương thức phát tán, tần suất, từ khóa trong nội dung tin nhằm thoát khỏi sự phát hiện của hệ thống kỹ thuật của nhà mạng, khiến việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Hiện tin nhắn rác về dịch vụ nội dung chiếm tỉ lệ khoảng 30%, VNCERT đề nghị các nhà mạng cần cải tiến hệ thống kỹ thuật dựa trên công nghệ mới, thuật toán thông minh để nâng cao khả năng nhận biết tin nhắn rác; xây dựng hệ thống cho phép người dùng chủ động chặn lọc tin nhắn rác theo nguồn gửi và nội dung….

"Cần phải đẩy mạnh hành lang pháp lý cho dịch vụ nội dung trên mạng di động; yêu cầu doanh nghiệp nội dung, di động cung cấp đầy đủ thông tin (giá cước, cách trừ cước, cách sử dụng…) cho người dùng về dịch vụ trước khi quyết định sử dụng. Nhà chức trách cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về phát tán tin nhắn rác, lừa đảo và xử lý nghiêm" - VNCERT nhấn mạnh. 

Sửa nghị định để xử nghiêm

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thanh tra bộ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thiện nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) để sớm ban hành, từ đó có chế tài xử phạt nghiêm hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Bên cạnh đó, thanh tra bộ còn phối hợp với Cục Viễn thông, VNCERT, các sở thông tin và truyền thông chuẩn bị triển khai việc thanh tra tin nhắn rác, SIM rác diện rộng theo kế hoạch.

CHÁNH TRUNG

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ