A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng lương và giảm biên chế

08:24 | 26/11/2018

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách 2019. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2019 tăng từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng/tháng.

 Việc điều chỉnh mức lương cơ sở sẽ tác động đến kinh tế-xã hội nhưng sẽ không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng vì mức điều chỉnh chỉ khoảng 7%.

Tuy nhiên, trong tương lai lương phải cải cách mạnh mẽ để người lao động sống được bằng lương mới tạo ra những động lực nâng năng suất lao động.  Muốn vậy, bài toán tinh giản biên chế cần có lời giải thích đáng. 

Gọn đầu mối hành chính là giải pháp tích cực để giảm biên chế.

Cải cách để người lao động sống được bằng lương

Theo kế hoạch, từ năm 2021, bắt đầu thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách toàn diện hệ thống thang, bảng lương. Thang lương tính theo hệ số sẽ được tính bằng lương tuyệt đối. Theo đó, trong khu vực Nhà nước sẽ có 2 bảng lương. Đó là lương của những người giữ chức vụ lãnh đạo và lương dành cho cán bộ, công nhân viên chức thừa hành. Ngoài ra, còn có bảng lương dành cho lực lượng vũ trang, công an, quân đội.

Còn khu vực kinh doanh, việc tính lương vẫn dựa theo nguyên tắc thương lượng tập thể trên cơ sở Nhà nước xác định mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng được xác định bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Khi cải cách tiền lương thì mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng cố gắng phải hòa nhập với nhau, bằng với mức lương tối thiểu của vùng thấp nhất.  Theo nhiều chuyên gia, việc cải cách tiền lương sẽ gắn với giá trị sức lao động, chất lượng công việc. Mức lương này sẽ dần tiếp cận với mức cao nhất của khu vực có quan hệ lao động.

Và như vậy, khi điều chỉnh mức lương, người lao động cũng sẽ được bố trí theo vị trí việc làm, trình độ, năng lực, chuyên môn đào tạo để có thể hưởng đồng lương với sức lao động mà họ bỏ ra…

Ai đi làm chẳng mong sống được bằng lương không phải lo ngay ngáy chân trong, chân ngoài. Nhưng muốn cải cách được chính sách tiền lương, có một khoản đủ lớn để trả người lao động thì các cơ quan Nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu để tạo ra nguồn lực. Đó là tiết kiệm, tăng thu ngân sách, tinh giản bộ máy quản lý hành chính, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và rất nhiều việc khác nữa liên quan đến bài toán tăng lương và giảm biên chế. Muốn giải bài toán tăng lương thế nào, gốc của vấn đề nằm ở việc số người nhận lương từ ngân sách ít đi, không quá cồng kềnh, vô lý như hiện nay.

Theo ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Duy Hiểu, nếu thực hiện theo mức lương mới từ năm 2021, người lao động sẽ được hưởng lương cao hơn so với hiện tại. Ngoài mức lương được tính theo vị trí việc làm, năng lực của từng người thì mỗi cơ quan, đơn vị nên dành thêm một khoản tiền thưởng để khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả, năng suất. Tuy nhiên, muốn có nguồn để khuyến khích người lao động thì ngoài tăng thu thì phải quyết liệt giảm công chức “cắp ô” trong nền công vụ.

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, để đảm bảo cho việc tăng lương cho người lao động, ngay từ đầu năm 2019, các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt tăng thu ngân sách; tiết kiệm 10% khoản chi thường xuyên/năm để hỗ trợ cho việc tăng lương cơ sở. Song song với việc tăng lương cho người lao động thì Chính phủ cần tiến hành kiểm soát giá cả các mặt hàng trên thị trường tăng theo khiến việc tăng lương cho người lao động không thể chạy theo được và làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Giảm biên chế, nói dễ làm khó

Cả nước hiện có khoảng 7,5 triệu người (chiếm 8,3% dân số) hưởng lương từ ngân sách, trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 2,8%. Đội ngũ cán bộ, công chức hùng hậu như vậy nhưng lại có vẻ không tương xứng với chất lượng công việc. Số lượng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chiếm tỷ trọng không nhỏ. Bộ máy quá đông, quá cồng kềnh, không hiệu quả nên họ thường tìm cách “kiếm chác”, vòi vĩnh của người dân, doanh nghiệp để tăng thu nhập. Chính vì thế, người dân mỗi lần có việc phải tới “cửa quan” thì thấy phiền hà, bức xúc vô cùng.

Thực tế, các cơ quan từ địa phương tới Trung ương thì dạng “cha truyền con nối”, con ông cháu cha chiếm tỷ lệ không nhỏ trong biên chế nhà nước. Vào Nhà nước làm có 2 dạng rất đáng trách: thứ nhất tìm nơi béo bở để đục khoét, kiếm chác, làm giàu cho bản thân; thứ hai vào để chắc chân, có cuộc sống ổn định, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu” (dạng này có thể là số đông). Nhưng nguy hại nhất là dạng thứ nhất, bởi đây mới chính là những kẻ nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, chạy chức, chạy quyền… Cho nên, xóa nghịch lý tinh giản biên chế cần đi đôi với làm sạch bộ máy, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh.

Bộ máy nhà nước đã phình to, cồng kềnh, nhưng kém hiệu quả. Đó là thực tế. Về lý thuyết, những người không làm được việc phải bị tinh giản đầu tiên nhưng liệu họ có bị loại không? Chắc chắn là không dễ. Tinh giản biên chế từ lâu đã được đặt ra nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy càng phình to. Nguyên nhân của tình trạng này là do những người phải thực thi nhiệm vụ tinh giản ngại va chạm, nể nang, thậm chí là có cả chuyện “lót tay” để được ở lại. 

Còn nữa, không thể tinh giản cán bộ yếu kém khi mà rõ ràng hiệu quả hoạt động của bộ máy không hiệu quả nhưng theo báo cáo tỷ lệ cán bộ, công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm số ít, có những năm chưa tới 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, số còn lại là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá cán bộ mà cảm tính như vậy thì tinh ai, giản ai đây!

Phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ từ tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng và sãn sàng thẳng tay đưa họ ra khỏi cơ quan nhà nước thì mới có đội ngũ tinh hoa làm việc trong các cơ quan công quyền, mới hoạch định được những chính sách đúng đắn cho đất nước được. Như vậy, mấu chốt của việc tăng lương, cải cách tiền lương sẽ gắn với tinh giản biên chế; khuyến khích các địa phương lấy khoản ngân sách vượt thu để làm nguồn chi trả tiền lương. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề trên không phải dễ dàng khi mà bộ máy nhà nước hiện còn cồng kềnh, việc tinh giản biên chế sẽ khó thực hiện nếu như không có những tiêu chí cụ thể, vẫn cứ nể nang trong đánh giá để rồi không tìm được ai sẽ là người không được việc trong nền công vụ.

Không thể là công chức suốt đời

Để nâng cao hiệu quả của những nghị quyết về tinh giản biên chế, rất nhiều giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, có một vấn đề cần làm rõ, đó là chấm dứt tình trạng công chức “có vào mà không có ra” như hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phải cải cách tiền lương để nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức và người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, trong bộ máy nhà nước còn có những người làm việc không hiệu quả nên việc tinh giản biên chế hiện nay khó thực hiện vì theo Luật Công chức hiện hành, những ai đã là công chức thì là công chức suốt đời.

Để việc tinh giản biên chế có thể thực hiện hiệu quả thì trong Luật Công chức sửa đổi phải có sự thay đổi theo hướng không thể có công chức suốt đời mà có thể là công chức hợp đồng. Theo đó, những công chức nhà nước nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì mới có thể ký hợp đồng. Nếu đến một giai đoạn nào đó, cơ quan, đơn vị đánh giá lại công chức nếu thấy không đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí thì có thể chấm dứt hợp đồng với công  chức.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang có phương án công chức, viên chức đang được coi là chức danh suốt đời thì sẽ chuyển sang chế độ hợp đồng. 

Việc thực hiện tinh giản biên chế được hiệu quả thì phải có những tiêu chí đánh giá hiệu quả, hiệu suất của người lao động. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị dựa vào chức năng, nhiệm vụ của mình có thể xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc để đánh giá hiệu quả, hiệu suất, sự đóng góp của người lao động. Từ đó, các cơ quan, đơn vị mới xây dựng được thang bảng lương phù hợp, đúng thực chất với chức năng, nhiệm vụ, trình độ, năng suất lao động của mỗi người. 

Đã đến lúc phải đưa ra các tiêu chí xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, lựa chọn đội ngũ cán bộ để có sự sắp xếp hợp lý, để những người đang ở trong bộ máy nhà nước phải không ngừng phấn đấu trong công việc, còn những người chưa ở trong bộ máy nhà nước tiếp tục phấn đấu để đạt được các yêu cầu đề ra, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống.

* Để việc thực hiện tinh giản biên chế được hiệu quả thì phải có những tiêu chí đánh giá hiệu quả, hiệu suất của người lao động. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị dựa vào chức năng, nhiệm vụ của mình có thể xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc để đánh giá hiệu quả, hiệu suất, sự đóng góp của người lao động. Từ đó, mới xây dựng được thang bảng lương phù hợp, đúng thực chất với chức năng, nhiệm vụ, trình độ, năng suất lao động của mỗi người. 

Nguyên Khánh

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ