A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam: Toàn xã hội cùng chặn dịch

13:29 | 19/02/2014

Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch cúm gia cầm trên thế giới cũng như trong nước, hôm qua (18-2), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.
 
 
Trước khi ra chợ, gia cầm phải được kiểm dịch chặt chẽ
Ảnh: Hoàng Long
 
Tập trung dập dịch, chống dịch
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2013 tại Trung Quốc, Hồng Kông và vùng lãnh thổ Đài Loan đã có 147 người mắc cúm A/H7N9, trong đó 47 ca tử vong. Từ đầu năm đến  nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 208 trường hợp mắc mới, 20 ca tử vong. Riêng tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, giáp biên giới Việt Nam đã có 3 trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9. Còn tại Malaysia mới đây đã phát hiện một ca mắc cúm A/H7N9, bệnh nhân là khách du lịch từ Trung Quốc sang Malaysia.

Thống kê mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước đang có 24 ổ dịch tại 11 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai và Bà Rịa Vũng Tàu; tổng số gia cầm mắc bệnh là 23.819 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 30.777 con. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Trong số 11 tỉnh có dịch cúm gia cầm có 5/11 tỉnh công bố dịch. 

 
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ ngày 10 đến 17-2,  Lào Cai đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 làm chết hơn 7.000 con gia cầm. Ngay lập tức, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp dập dịch, tiêu độc khử trùng. Đặc biệt, tỉnh đề cao các biện pháp tăng cường tuyên truyền đến các hộ nông dân để người dân tự giác, không giấu dịch. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Lào Cai đã xuất 5.000 lít hóa chất phục vụ cho việc tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch có thể tái phát.
 
Còn tại Quảng Ngãi, theo ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kể từ ngày ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện và tiêu hủy ngày 3-1tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh đến ngày 18-2 dịch đã xảy ra ở 10 hộ của 9 thôn, thuộc 8 xã, trên địa bàn 4 huyện, gồm: huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Dịch bệnh đã làm chết và tiêu hủy 8.703 con. Trong đó, số gia cầm chết trước khi tiêu hủy 2.742 con, tiêu hủy bắt buộc 5.961 con. Hiện tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã cấp 603.000 liều vắc xin cho các huyện. Số vắc xin tiêm được 232.946 liều, tiêu hủy bắt buộc 2.835 con. 
 
Tại Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 ổ dịch tại 4 địa phương và tiêu hủy gần 3000 con gia cầm. Ngay khi phát hiện các ổ dịch, UBND tỉnh đã thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, dập dịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thú y, hiện nguy cơ phát sinh cúm gia cầm tại các ổ dịch vẫn rất cao. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên tại 4 chợ buôn bán gia cầm sống cho thấy 100% số mẫu dương tính với cúm A/H5N1. Do đó, công tác giám sát, kiểm tra, phòng chống dịch và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết để làm sao cho người dân tự giác cam kết sẽ tiêm phòng dịch.
 
Tại Lạng Sơn, tỉnh có đường biên giới dài 231 km giáp với Trung Quốc, có nguy cơ cao lây lan dịch cúm gia cầm A/H5N1, nên công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1 và virus cúm A/H7N9 đang hết sức khẩn trương. Đáng  mừng là, đến thời điểm này, Lạng Sơn chưa phát hiện virus cúm gia cầm. Theo ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lạng Sơn là địa bàn có địa  hình phức tạp, nhiều đường mòn lối tắt giáp biên giới Trung Quốc, nên hoạt động buôn bán gia cầm diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển buôn bán gia cầm, tặng cho giữa các cư dân biên giới. Đặc biệt, hoạt động buôn lậu gia cầm tập trung ở các cánh gà của cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma vì gần QL1A đi sâu vào nội địa nên đã bố trí các lực lượng chức năng tập trung tại các điểm này, chặn ngay từ biên giới.
 
"Từ 1-1 đến 17-2, các lực lượng chức năng của Lạng Sơn đã phát hiện 28 vụ vận chuyển gia cầm qua đường mòn đã bị thu giữ, 250kg gà thịt, hơn 9.000 con gà giống, hơn 2.000 con chim bồ câu. Lượng này giảm so với cùng kỳ năm ngoái rất nhiều” – ông Quang đánh giá và khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc cơ quan chức năng để ngăn chặt triệt để tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới trong tháng 2 và tháng 3 tới. 
 
 
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gia cầm tại các chợ dân sinh, 
nhằm ngăn ngừa dịch cúm
Ảnh: Hoàng Long
 
Tuyệt đối không để dịch lây lan
 
Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đặc biệt, virus cúm A/H7N9 độc lực cao có thể xâm nhập sang Việt Nam bất cứ lúc nào, tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1, ngăn chặn nguy cơ xâm lấn của virus cúm A/H7N9 phải được đặt lên hàng đầu”.
 
Đánh giá cao những nỗ lực trong việc ngăn chặn dịch của tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ mong muốn, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới và lực lượng chức năng cần đồng lòng ngăn chặn sự xâm nhập của virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam.  "Kinh nghiệm chống buôn lậu gia cầm từ các tỉnh biên giới phía Bắc cho thấy, nếu chúng ta đồng lòng, chúng ta sẽ ngăn chặn được. Và khi các tỉnh vùng  biên ngăn chặn thành công cũng có nghĩa cả nước sẽ thành công” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
 
Nhận định về công tác phòng chống loại virus cúm A/H7N9 vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong cao ở người, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, từ tháng 5-2013, Bộ Công An đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống đại dịch H7N9 và ban hành Kế hoạch hành động phòng chống virus cúm A/H7N9. "Hiện nay, chúng tôi đã triển khai lực lượng ở các địa bàn, tuyến trọng điểm, ngăn chặn hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm từ bên kia biên giới vào nội địa Việt Nam, đặc biệt ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm ở vùng có dịch” – Đại tá Bình cho biết.
 
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, dịch đang có chiều hướng mở rộng, toàn xã hội phải quyết tâm phòng chống, tuyệt đối không để lây lan rộng, vì nếu lây lan, rất khó có  thể dập dịch. Việc ngăn chặn buôn bán gia cầm qua biên giới là vấn đề rất khó, do đó Phó Thủ tướng yêu cầu, lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường cần phối hợp đồng bộ, kiểm tra chặt chẽ các chốt chặn ở các tuyến biên giới đường biên. 
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm soát việc giết mổ gia cầm tại các chợ, kiên quyết tiêu độc khử trùng ngày 1 lần ngay sau mỗi phiên chợ. 
 
"Trong tình hình diễn biến dịch hết sức phức tạp, tôi đề nghị công tác tuyên truyền cần phải mạnh mẽ hơn để có thể khoanh được dịch, dập được dịch (cúm A/H5N1 – PV), ngăn chặn virus cúm A/H7N9 tránh lây lan sang người gây tử vong, bảo vệ an toàn cộng đồng, sinh mạng cho người dân” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Quảng Ngãi: Thêm một huyện xuất hiện dịch cúm gia cầm
 
Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi ngày 18-2, ngoài huyện Đức Phổ, Sơn Tịnh thì tại huyện Nghĩa Hành cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy bắt buộc đàn gà 400 con vì bị nhiễm cúm A/H5N1 ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. 
Trước đó, đàn gà 400 con của hộ bà Nguyễn Thị Việt, ở thị trấn Chợ Chùa xảy ra chết bất thường hơn 200 con. Sau khi lấy mẫu gà chết gửi đi xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện đàn gà nhà bà Việt có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1, nên đã tiêu hủy bắt buộc số gà còn lại của hộ bà Việt. 
 
Thanh Huyền
Duy Phương

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ