A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mưa lớn kéo dài quay trở lại miền Trung

16:10 | 15/10/2020

Sáng 15/10, bão số 8 đã đi vào Biển Đông, dự báo có thể tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung kể từ ngày 17-19/10.

Công tác ứng phó đang được các bộ ngành, địa phương rốt ráo triển khai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Áp thấp mới xuất hiện và được dự báo sẽ là cơn bão số 8 đổ bộ vào nước ta.

Hoàn lưu bão số 7 gây mưa lớn ở miền Bắc

Sáng 15/10, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp triển khai tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông.

Tính đến sáng nay 15-10, mưa lũ đã làm 48 người chết và mất tích, trong đó 40 người đã thiệt mạng. 

Báo cáo nhanh tình hình cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã huy động khoảng 1.000 người, trong đó 600 bộ đội tiếp cận đường bộ, đường không và đường thủy vào hiện trường.

“Tới 10h ngày 14/10 đoàn cứu hộ đã tiếp cận tại trạm kiểm lâm 67 nơi 13 cán bộ chiến sĩ bị mất liên lạc. Hiện nay lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục san gạt và tiến vào Thủy điện Rào trăng 3”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện trạng sạt lở tại Trạm kiểm lâm 67 cho thấy, khối lượng đất đá đổ dồn về rất lớn, lên tới khoảng 20.000 m3 trong khi địa hình nhỏ nên khó huy động được nhiều phương tiện một lúc, công tác cứu hộ càng khó khăn. Theo dự báo thời tiết, khu vực Rào Trăng, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế trong ngày hôm nay tiếp tục có mưa với tổng lượng mưa có thể lên tới 200 mm.

Ngày 14/10, lực lượng cứu hộ đã đưa được 25 người tại khu vực sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài, trong đó có 1 người chết và 5 người bị thương.

“Với phương châm tiếp cận nhanh nhất hiệu quả nhất bằng cả 3 mũi đường bộ, đường không và đường thủy, hy vọng trong ngày hôm nay, thời gian ngắn nhất sẽ hoàn thành công tác cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3”, ông Dũng nhận định.

Ông Dũng cũng thông tin thêm, đã huy động hơn 8.200 người trong công tác cứu hộ tại các vùng bị lũ lụt tại miền Trung. Đến trưa 15/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã xác định được vị trí 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo cuộc họp.

Miền Trung chuẩn bị đón mưa lớn kéo dài

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCTT về khắc phục mưa lũ miền Trung sáng 15/10, ông trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, trận mưa lũ kéo dài từ 6 tới 12/10 tại miền Trung đã vượt mốc lịch sử năm 1999, với tổng lượng mưa tại Huế lên tới gần 3.000 mm.

Thống kê sơ bộ tới thời điểm này, lũ lụt tại miền Trung đã khiến 48 người chết và mất tích. Về tài sản có 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập. 870 ha lúa, 5.314 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588 ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giao thông có tới 137 điểm Quốc lộ, 14.737 m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng…

Cũng ở cuộc họp này, thông tin về áp thấp nhiệt đới mới hình thành trên Biển Đông, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng 15/10, áp thấp nhiệt đới đã đi vào khu vực giữa Biển Đông.

7h sáng ngày 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía Bắc Đông Bắc. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi khoảng 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 7h ngày 17/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc - 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 150 km về phía Đông với cấp 8. 

Theo ông Khiêm, “Dù áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão song cường độ sẽ không lớn. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất miền Trung đang đối mặt với tình thế tổ hợp đa thiên tai gây mưa lớn kéo dài từ 16 tới 20/10”.

Phân tích rõ hơn, ông Khiêm cho biết: "Đầu tiên, dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua khu vực Trung Trung Bộ. Thứ hai, ngày 16 và 17/10, khối không khí lạnh tăng cường với cường độ khá mạnh, có thể ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Trung Bộ. Thứ ba, áp cao cận nhiệt đới đang có xu hướng lấn Tây kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao kết hợp, hai hình thái trên sẽ gây mưa lớn ở miền Trung...Tất cả kết hợp với áp thấp nhiệt đới sẽ gây trọng tâm mưa lớn tại miền Trung từ ngày 17 đến 19/ 10.

Dự báo lượng mưa tại Hà Tĩnh, Quảng Bình từ 400-700 mm, có nơi trên 700 mm. Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế 300-500 mm, có nơi trên 500 mm, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ 200-400 mm, tuy nhiên, khu vực này mưa kết thúc sớm hơn ở Huế trở ra Hà Tĩnh. Từ ngày 21 đến 23/10, ở Bắc và Trung Trung Bộ có thể vẫn có mưa, với lượng mưa dao động 50-150 mm".

Sau khi nghe các báo cáo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo nhấn mạnh việc quản trị hệ thống hồ, cả hồ thuỷ điện và các hồ thuỷ lợi là nhiệm vụ quan trọng nhất.

“Hậu hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới cùng các hình thái thời tiết mới gây mưa, lạnh cần hết sức chú ý. Chúng tôi sẽ tiếp tục sẽ họp với điện lực và ngành công thương để bảo đảm an toàn hiện tại và dự trữ nước cho mùa khô năm nay”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát để giảm thiểu thiệt hại về người và của. Thiệt hại lúa mùa hiện chưa nhiều, nhưng sắp tới còn nhiều diễn biến phức tạp khác nên trồng trọt và thuỷ sản vẫn đứng trước nguy cơ mất an toàn. Cần bám sát diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu và kể cả người dân ở vùng lũ đã rút, tránh tâm lý chủ quan.

KHÁNH VY

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/mua-lon-keo-dai-quay-tro-lai-mien-trung-520509.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ