A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngập lụt, sạt lở: 'Thủ phạm' là biến đổi khí hậu?

07:43 | 04/08/2023

Thời gian qua, mùa mưa gây ra ngập lụt, sạt lở ở nhiều địa phương, địa điểm tưởng như không bao giờ ngập lụt, sạt lở. Nhiều người cho rằng đó là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vậy, điều đó có hoàn toàn đúng?

Một đoạn ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sáng 29/7.

Phải xác định đúng nguyên nhân

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra thời tiết cực đoan là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, trong những vụ ngập lụt, sạt lở vừa qua “thủ phạm” chính lại không thuộc về BĐKH. Điều quan trọng là trong bối cảnh BĐKH khiến thời tiết ngày càng cực đoan hơn thì nhiều vấn đề cần phải thay đổi để thích ứng, không phải dùng lý do thời tiết cực đoan để giải thích nguyên nhân gây ra sự cố mà bỏ qua trách nhiệm của con người.

Mới đây nhất, đêm 28 - sáng 29/7, chuyện tưởng không thể xảy ra nhưng đã xảy ra: Đó là một đoạn đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới đưa vào sử dụng hơn 3 tháng sau một trận mưa đã bị ngập sâu hơn 70cm. Xác định nguyên nhân, đơn vị tư vấn khẳng định thiết kế kỹ thuật thoát nước chưa có gì sai. Trong khi đó, đơn vị vận hành cao tốc cho rằng, đường bị ngập do mưa quá lớn và còn do đập Sông Phan xả nước với lưu lượng 90 m³/giây khiến nước không thoát kịp.

Đáp lại, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ thuỷ lợi Sông Phan xây dựng để chịu được lũ tần suất là 50 năm xảy ra một lần. Lưu lượng xả tối đa theo thiết kế đến 600 m³/giây. Do đó, lượng mưa và xả tràn đêm 29/7 là rất bình thường.

Vậy, không lẽ một tuyến cao tốc hiện đại còn “mới tinh” cứ mưa to là lại ngập như một điều tự nhiên?

Cũng trong mùa mưa năm nay tại tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở, trong đó có 2 vụ làm chết 6 người: Đêm 29/6, vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám (TP Đà Lạt) vùi lấp 7 người, 5 người thoát được còn 2 người thiệt mạng. Một tháng sau đó, chiều 30/7 lại xảy ra vụ sạt lở vùi lấp làm chết 4 người trên tuyến đèo Bảo Lộc.

Riêng với thành phố Đà Lạt, việc sạt lở, ngập lụt đã không còn là chuyện bất thường. Nguyên nhân là do mật độ xây dựng quá dày đặc, lại quá nhiều nhà kính trồng trọt dẫn đến tình trạng không thoát nước kịp mỗi khi mưa lớn, đất ngậm nước nhão ra, yếu đi. Nói như Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người có nhiều nghiên cứu về quy hoạch Đà Lạt thì thành phố này đang bị dồn nén đô thị, khiến khu vực nội đô gặp phải nhiều rủi ro.

Tại Đảo Ngọc (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), trong tuần thứ 3 của tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của bão Talim (bão số 1) nhiều nơi cũng bị ngập nặng. Một số khu vực trên đảo như xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ bị ngập. Riêng khu phố 9 (phường Dương Đông) nước tràn vào làm khu vực dân cư bên trong ngập sâu.

Vụ việc này khiến người ta nhớ lại vào tuần đầu tháng 8/2019, nhiều khu vực dân cư ở đảo Phú Quốc cũng bị ngập sâu đến không ngờ. Nơi ngập sâu nhất là các ấp: Bến Tràm, Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài (thuộc xã Cửa Dương), nước ngập gần 2 mét. Thị trấn Dương Đông - thủ phủ của đảo, cũng không thoát khỏi “kiếp nạn”: Nơi ngập sâu nhất là các khu phố: 4, 6, 9 ngập hơn 1 mét. Các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Gành Dầu ngập từ 0,2-0,7 mét.

Nhiều người dân sinh sống lâu năm trên đảo cho rằng nguyên nhân do mưa lớn chỉ một phần vì độ dốc trên đảo cao, nước dễ thoát ra biển, mà chính là do nạn phá rừng chiếm đất để bán, xây dựng khiến nước bị giữ lại. Việc phát triển quá nóng mới chính là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước ở đảo Phú Quốc.

Thiên tai cùng với “nhân tai”

Sau khi xảy ra những vụ ngập úng, sạt lở, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể nói cả thiên tai và “nhân tai”. Phát triển đô thị là xu hướng nhưng cần hạn chế tối đa việc làm hạn chế tuyến thoát nước và giảm khả năng thấm nước mặt đất tự nhiên.

Theo TS Nguyễn Chí Thành (nguyên phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ) thì cần phải đánh giá kỹ về tác hại của tình trạng lấn chiếm, san lấp sông, rạch; phải xem xét hệ thống thoát nước đã đáp ứng được yêu cầu thoát nước hay chưa. Trong bối cảnh BĐKH thì lại càng cần phải chú ý điều đó.

Còn GS Trần Thục (Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam) cho rằng, không thể đổ hết cho thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường chỉ là một trong những nguyên nhân. Vấn đề phải xem lại quy hoạch, xây dựng đô thị.

Nói như GS Đào Xuân Học - nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ai cũng thấy tác động của BĐKH làm gia tăng các loại hình thiên tai theo chiều hướng cực đoan, nhưng việc ngập lụt phải xem lại vấn đề xây dựng hệ thống thoát nước; kể cả việc duy tu, bảo dưỡng, nạo vét bùn đất vệ sinh hố ga... có được thực hiện thường xuyên hay không.

“Mưa lớn khiến cho những nơi chưa bao giờ ngập thì nay cũng đã ngập, còn những nơi đã bị ngập thì nay có nguy cơ ngập sâu, ngập nặng hơn. Vì thế, quá trình tính toán cần làm rõ thiết kế về thoát nước” - ông Học nói.

Chưa BĐKH, chưa xuất hiện thời tiết cực đoan đã cần phải tính toán sao cho không bị sạt lở, ngập lội, bảo đảm an toàn cho người dân. BĐKH mạnh hơn thì lại càng phải có nhiều biện pháp đề phòng, ứng phó thay vì đổ lỗi mà không thấy trách nhiệm của mình.

Về sự cố một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập nước chỉ sau một trận mưa, theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM ông rất bất ngờ, nếu như nhà thầu thi công đã làm đúng bản vẽ thì sẽ sai ở khâu khảo sát thiết kế cơ sở. Để xác định đúng hay sai khâu khảo sát thiết kế, ông Thuận đề nghị cần kiểm tra lại dữ liệu và bước khảo sát địa hình vị trí, tọa độ. Đặc biệt là bình đồ cao độ tự nhiên, cao độ hoàn thiện theo hồ sơ thiết kế cơ sở và các biên bản thống nhất về đấu nối theo quy định của pháp luật... Từ đó sẽ có cơ sở xem xét lỗi xuất phát từ đâu

NHÓM PV

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ